Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau bão, ngư dân hối hả vươn khơi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi bão số 4 (Noru) đi qua, ngư dân lại hối hả chuẩn bị cho những phiên biển mới.

Sáng 30/9, tại cảng Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), các ngư dân tàu QNg 97679 TS đang hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ và lương thực, thực phẩm, sẵn sàng cho chuyến đi biển mới.

Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ trước khi ra khơi.
Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ trước khi ra khơi.

“Tàu neo trú bão ở đây hôm nay là ngày thứ 5 rồi. May mắn bão Noru không  gây ra nhiều thiệt hại. Bây giờ chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cho chiều xuất bến. Từ nay đến cuối năm còn nhiều đợt bão lắm nên phải tranh thủ, nếu ra gặp bão thì lại về”- anh Trần Văn Quang (ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) - thuyền trưởng tàu QNg 97679TS chia sẻ.

Cũng tại cảng Tịnh Kỳ, một số tàu cá của ngư dân các địa phương khác vào đây trú tránh bão đang bận rộn nhập đá, dầu, ... để chuẩn bị vươn khơi. Nhiều ngư dân cho biết, sau bão thường dễ "trúng" các luồng tôm, cá hơn ngày thường nên trời vừa hửng nắng là họ tranh thủ khởi hành.

Đá lạnh được đưa lên tàu để sẵn sàng khởi hành.
Đá lạnh được đưa lên tàu để sẵn sàng khởi hành.

“Đang khai thác gần đảo Lý Sơn thì nghe tin bão nên đưa tàu vào đây trú.  Bây giờ trời nắng, biển cũng yên rồi nên 9 anh em trên tàu lại lấy đá, dầu, chuẩn bị ra khơi tiếp. Chuyến biển rồi chạy đi trú bão nên khai thác không được nhiều. Giờ chỉ mong trời yên biển lặng, kiếm được nhiều cá tôm”- anh thợ máy Hồ Văn Vui (quê Nghệ An)- thợ máy tàu NA 92789 TS chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh Phú- Phó trưởng ban quản lý cảng cá Tịnh Kỳ, qua thống kê, tại đây có 52 tàu vào trú tránh bão số 4, chủ yếu là các tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Sau khi bão tan, các tàu đang khẩn trương chuẩn bị ra khơi, khai thác hải sản.

Lương thực, thực phẩm được ngư dân mang lên tàu.
Lương thực, thực phẩm được ngư dân mang lên tàu.

“Phần lớn các tàu neo ở đây là tàu lớn, có cả tàu trong và ngoài tỉnh. Từ hôm qua (29/9), nhiều tàu đã bắt đầu ra khơi đánh bắt trở lại. Tính đến trưa 30/9, có khoảng 35 tàu đã xuất bến”- ông Nguyễn Hoàng Minh Phú thông tin.

Sinh sống dọc theo bờ biển, người dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) buồn theo con sóng. Bão số 4 vừa đi qua, nhân dân làng chài đổ xô ra biển và cùng nhau hướng về phía khơi xa. Từng tốp người tụm năm, tụm bảy vui cười, tất bật chuẩn bị cho phiên biển mới.

Ngư dân Lê Văn Thạch (xã Bình Châu) cho biết: "Sau khi lệnh cấm biển được dỡ bỏ, các ngư dân khẩn trương sửa chữa ngư lưới cụ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước đá tiếp tục ra khơi, bám biển".

Tàu cá neo ở cảng Tịnh Kỳ để tránh trú bão.
Tàu cá neo ở cảng Tịnh Kỳ để tránh trú bão.

Trong đợt bão số 4, tại các cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 1.70 tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh về neo trú, tránh bão. Ngay sau khi lệnh cấm biển được dỡ bỏ, những đoàn tàu lại nối tiếp nhau ra khơi với mong ước tôm, cá đầy khoang.

“Trước khi để tàu thuyền hoạt động đánh bắt trở lại, Ban Quản lý đã đến kiểm tra, nhắc nhở các tàu thuyền gia cố, sửa chữa các bộ phận hư hỏng để đảm bảo an toàn trong quá trình đánh bắt”- ông Trần Lê Hồng Sơn - Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Quảng Ngãi chia sẻ.

Ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ nay cuối năm 2020, còn khoảng 6-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Riêng, tỉnh Quảng ngãi có khả năng còn chịu ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.

Thời tiết trong những tháng cuối năm dự báo sẽ có nhiều bất lợi cho ngư dân khai thác trên biển.
Thời tiết trong những tháng cuối năm dự báo sẽ có nhiều bất lợi cho ngư dân khai thác trên biển.

"Thời tiết cuối năm 2022 được dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng của La Nina -hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường, xảy ra cứ sau 2 đến 7 năm nên sẽ diễn biến vô cùng phức tạp. Tháng 10-11 là tháng trọng điểm mùa mưa bão, lũ của cả năm, có khả năng bão, lũ lớn dồn dập. Riêng với bà con ngư dân đặc biệt chú ý nhiều khả năng có bão lớn và gió mùa đông bắc cường độ mạnh vào những tháng tới, cần theo dõi chặt chẽ các bản tin thời tiết để có biện pháp phòng tránh giảm nhẹ thiên tai"- ông Nhâm Xuân Sỹ khuyến cáo.