Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sâu bệnh gia tăng gây hại trên lúa

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) hiện tình hình dịch bệnh trên cây lúa tiếp tục gia tăng, phần lớn các dịch hại trên lúa tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu IV, Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên.

Cụ thể, một số loại bệnh gây hại lúa với diện tích lớn như bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa với diện tích nhiễm hơn 8.100ha, tăng gần 3.000ha so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 21ha.
Phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. 
Bên cạnh đó, rầy nâu - rầy lưng trắng hại lúa diện tích nhiễm gần 28.000ha, tăng hơn 10.000ha so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 527ha. Diện tích lúa bị hại do bệnh đạo ôn lá hại lúa là hơn 33.200ha, tăng 11.100ha so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 1.664ha. Tổng diện tích bệnh khô vằn hại lúa gần 30.000ha, tăng hơn 21.100ha so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 648ha. Diện tích lúa bị chuột hại lên đến hơn 10.000ha, tăng hơn 2.000ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật, một số bệnh như rầy nâu - rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ sẽ nở rộ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, gây hại trên diện rộng ở các trà lúa. Bên cạnh đó, một số đối tượng hại lúa như chuột, bệnh đạo ôn, châu chấu tiếp tục nở, do đó các địa phương cần chủ động phát hiện và phòng chống kịp thời để không ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Tại Hà Nội, trên cây lúa cũng xuất hiện một số loài sâu bệnh như ốc bươu vàng với diện tích nhiễm 97,4ha, bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 404,6ha gây hại rải rác. Bên cạnh đó, trên ngô xuất hiện một số loài sâu bệnh, như: Bệnh đốm lá nhỏ diện tích nhiễm 52,8ha, bệnh khô vằn diện tích nhiễm 12,5ha, sâu cắn lá diện tích nhiễm 10,7ha. Ngoài ra, sâu đục thân, bệnh gỉ sắt, rệp… cũng hại nhẹ rải rác.
Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thông tin thêm, trên lạc Xuân xuất hiện một số loài sâu bệnh, như: Sâu cuốn lá diện tích nhiễm 20,7ha, bọ trĩ diện tích nhiễm 15ha, rầy xanh lá mạ diện tích nhiễm 5ha. Trên rau thập tự xuất hiện một số loài sâu bệnh, như: Sâu xanh diện tích nhiễm 86,8ha, sâu khoang diện tích nhiễm 15,2ha, sâu tơ diện tích nhiễm 69,6ha.
Trong tháng 4/2017, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành 4 thông báo định kỳ sâu bệnh 7 ngày, 1 thông báo bệnh đạo ôn hại lúa và biện pháp phòng trừ, 1 thông báo tình hình bệnh đạo ôn cổ bông và biện pháp phòng trừ. Cùng với đó, Sở cũng tham mưu UBND TP chỉ đạo các huyện tổ chức chiến dịch diệt chuột vụ Xuân 2017. Đến thời điểm hiện tại, toàn TP đã sử dụng 5.762kg thuốc diệt chuột, 81.190kg thóc làm mồi, diệt được hơn 760.000 con chuột. Trong tháng 5, Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch hại và bảo vệ cây trồng vụ Xuân 2017. Đồng thời, tăng cường cán bộ kỹ thuật, bám sát đồng ruộng điều tra phát hiện dự tính dự báo kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại, hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương phòng trừ sâu bệnh.