Thông tin luôn được cập nhật
Hơn 2 năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng và công tác truyền thông y tế nói chung được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế góp phần đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Nhìn lại một chặng đường để tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, có thể thấy báo chí đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu và tách rời trong công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong suốt thời gian ứng phó với dịch bệnh Covid-19, những thông tin chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ cũng như của Hà Nội, những tấm gương người tốt, việc tốt, những hình ảnh lay động trái tim về sự hy sinh vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hay đó là những nghĩa cử cao đẹp trong mùa dịch của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương; những người đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch để bảo vệ “vùng xanh” cho người dân tại Hà Nội… được các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội thông tin truyền tải kịp thời. Những thông tin từ báo chí giúp người dân biết hành xử đúng đắn, góp phần vào công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Nhiều tác phẩm báo chí ra đời trong thời điểm dịch đang ở “đỉnh”, những nhà báo sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để ghi lại hình ảnh, bài viết về công tác phòng, chống dịch tại các khu dân cư có người bị nhiễm bệnh.
Đội ngũ những người làm báo đã không quản ngại ngày đêm, mưa nắng cùng lực lượng tuyến đầu lao vào tâm dịch, khu cách ly, khu phong tỏa để kịp thời đưa những thông tin về nỗ lực phòng chống dịch của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và DN. Thậm chí đã có nhiều nhà báo đã bị nhiễm Covid-19, đủ thấy nhiều người đã tác nghiệp trong tâm thế của những “phóng viên chiến trường” để kịp thời thông tin đến bạn đọc.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ tin, bài, phóng sự liên quan đến dịch vẫn được các cơ quan báo chí tiếp tục duy trì để các cấp, các ngành và Nhân dân không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Với việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế.
Góp phần vào những quyết sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Sau một năm làn sóng dịch thứ tư hoành hành, kinh tế đang dần phục hồi và phát triển, lòng tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là trong chống dịch, được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.
Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chính phủ quyết định tung ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng với 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu do tác động của đại dịch Covid-19, tập trung chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp. Đặc biệt, gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai nhanh chóng.
Đặc biệt, Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã mở đường cho việc thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Nói như Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: “Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội… Quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Về kinh tế, Nghị quyết có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128/NQ-CP chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay”.
Chính việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh cùng các chính sách được triển khai kịp thời, quyết liệt đã thúc đẩy kinh tế - xã hội khởi sắc cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Những tin, bài, hình ảnh trên các trang báo in, báo điện tử, kênh phát thanh, truyền hình hằng ngày, hằng giờ chuyển tải thông tin. Qua đó giúp chính phủ, các cơ quan chức năng có những chỉ đạo hiệu quả trong việc quản lý điều hành nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.
Hàng loạt kế hoạch phục hồi kinh tế của trung ương nói chung và các địa phương nói riêng đều được cơ quan báo chí truyền tải thông tin tới người dân và DN.
Bên cạnh đó, báo chí đã tích cực thông tin đến quốc tế về cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng, nêu những mô hình tốt trong phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, giải ngân đầu tư công, đề xuất các giải pháp hay, giới thiệu các mô hình sáng tạo... nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy sau dịch.
Tiếp tục là cầu nối đồng hành cùng phát triển
Một chương trình phục hồi kinh tế tổng thể được Quốc hội, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội được triển khai. Qua các cơ quan báo chí, thông hướng dẫn tổ chức chương trình giúp cho người dân, doanh nghiệp tthấy được, thực hiện hiệu quả. Phản ảnh kịp thời những cách làm hay, các mô hình điển hình, phương thức sản xuất tiên tiến giúp các DN có thể áp dụng để phát triển kịp thời.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, DN và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế. An sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi nhanh, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I, quý II giảm so với cùng kỳ.
Dù vậy, năm 2022, ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều nước, đối tác quan trọng của ta tăng cao, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh. Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế xã hội còn gặp nhiều thách thức.
Nhiệm vụ Chính phủ đặt ra là tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cân đối hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng; thúc đẩy quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ…
Trong dòng chảy đó, báo chí kịp thời cập nhật, đăng tải thông tin về việc đảm bảo hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 góp phần ổn định tâm lý người dân. Bên cạnh đó truyền thông luôn luôn chủ động, với nhiều hình thức, kịp thời cung cấp thông tin, góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa lạm phát, và hỗ trợ người dân giữa lúc "bão giá", phát hiện những DN buôn bán, phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp các DN làm ăn chân chính minh bạch được bảo vệ.
"Chúng ta tự hào và khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây thực sự là sự động viên, cổ vũ đối với đội ngũ nhà báo, phóng viên tiếp tục phấn đấu làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao." - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính