Công ty Bilfinger SE của Đức đã quyết định không tham gia vào việc thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 do lệnh trừng phạt của Mỹ. |
Trước đó, theo tờ Bild của Đức, công ty Bilfinger SE đã ký một số hợp đồng trị giá 15 triệu euro với Nord Stream 2AG - nhà thầu chính của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, bao gồm các gói thầu liên quan đến "việc phát triển, cung cấp và bảo trì các hệ thống an ninh", cũng như cung cấp đơn vị tạo nhiệt.
Tờ Bild cho biết Bilfinger SE đã thông báo cho phía Mỹ rằng họ sẽ không thực hiện các hợp đồng trên.
Giới chức Đức nhiều lần khẳng định rằng Berlin xem tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 là một dự án kinh tế.
Chính quyền Berlin nhấn mạnh Ukraine nên giữ vai trò là quốc gia trung chuyển khí đốt.
Đức và các đồng minh châu Âu chỉ trích việc Washington sử dụng biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm can thiệp vào các chính sách đối ngoại và năng lượng của họ.
Chính quyền bang Mecklenburg-Vorpommern thuộc liên bang Đức đã thành lập một quỹ môi trường đặc biệt. Một trong những nhiệm vụ của quỹ này là nhằm hỗ trợ các nhà thầu Dòng chảy Phương Bắc 2 và bảo vệ các DN của Đức trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, hôm 19/1, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tàu Fortuna của Nga do liên quan đến việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2, và chủ sở hữu của nó, công ty KBT-Rus.
Các biện pháp trừng phạt được áp đặt trong khuôn khổ của CAATSA (Đạo luật Chống đối thủ thông qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ). Các cá nhân hay thực thể bị đưa vào danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản ở Mỹ và công dân hoặc công ty Mỹ không được tham gia kinh doanh với những người trong danh sách này.
Sau khoảng một năm bị gián đoạn do biện pháp trừng phạt của Washington, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 - vốn đã hoàn thành tới 94% công việc, đã nối lại việc lắp đặt hồi đầu tháng 12/2020. Đến ngày 28/12/2020 vừa qua, công tác lắp đặt đoạn đường ống trong lãnh hải Đức đã được hoàn tất.
Dòng chảy phương Bắc 2 với tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD là dự án hợp tác giữa Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu gồm: Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall Dea.