Xấu hổ thay!
Vừa đi qua 2 vụ việc “cả giận mất khôn” của cô Y- giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THPT thuộc huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) và một giảng viên- ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh lại xảy đến 2 vụ việc tương tự; đó là giảng viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh mắng học sinh là “óc trâu” rồi tiếp đó, một sinh viên trường Cao đẳng FPT Polytechnic lớn tiếng, hỗn hào, đòi "solo" với thầy giáo của mình trong giờ học online.
Ở các tình huống này, thấy đối phương nhũn nhặn, từ tốn bao nhiêu thì người còn lại càng “nổi điên nổi đóa” bấy nhiêu; mức độ tức lên đến đâu thì lời lẽ liên tiếp phát ra tương ứng đến đấy và dường như trong trạng thái mất kiểm soát. Thậm chí, những người chứng kiến sự việc là sinh viên trong lớp học cũng không thể hiểu vì sao cơn giận của người kia lại lớn thế. Rốt cuộc, tất cả cùng nhận xét: “Quá dại!”.
Hình ảnh tại buổi học trực tuyến xảy ra tình huống sinh viên hỗn hào, đòi solo thầy giáo (Ảnh cắt từ clip) |
Chắc hẳn, "cơn tam bành” kia chỉ kéo dài được độ 5- 10 phút là hạ hỏa; nhưng hạ rồi thì ra sao: Lẩn trốn hay xấu hổ, tìm cách bao biện? Vì xảy ra trên môi trường mạng, trong thời đại số nên các đoạn clip đó được chia sẻ rất nhanh chóng để mọi người cùng nhận xét, phân xử.
“Là một nhà giáo, tôi thấy xấu hổ vì lời lẽ, ứng đáp của người thầy”. “Là một sinh viên, em đỏ mặt, không dám nghe tiếp lời lẽ của bạn nam”… là những bình luận dưới clip. Dễ dàng để nhận ra ai đúng- ai sai và điều đó là không cần bàn cãi vì những sinh viên chứng kiến là công dân đã có đủ nhận thức.
Được biết, mức độ xử lý với người liên quan trong các sự việc trên đang được hội đồng nhà trường xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Thức tỉnh và nhận lỗi
Trong 4 sự việc đáng tiếc này, điều… đáng mừng là cả 4 người “châm ngòi” đều nhận ra mình đã sai; đồng thời lên tiếng nhận sai và gửi lời xin lỗi, trước hết với người mình có lỗi và gây tổn thương.
Trong vụ cô giáo mắng học sinh là “quái thai” ở huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), sau khi trấn tĩnh, cô giáo thừa nhận mình đã “cả giận mất khôn” và ứng xử hoàn toàn sai.
Với tình huống “đuổi” sinh viên ra khỏi giờ học online tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, giảng viên thừa nhận sai sót, xin lỗi việc sử dụng ngôn từ chưa phù hợp đến sinh viên và những người xem clip, hứa sử dụng phương pháp mềm dẻo hơn trong việc giảng dạy môn học. Giảng viên cũng bày tỏ sự đáng tiếc vì việc này đã gây ảnh hưởng đến mọi người.
Ở sự việc xảy ra tại trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), giảng viên đã hiểu được cái sai của mình; sau đó lên lớp trực tuyến xin lỗi tập thể sinh viên. Sinh viên cũng đã chấp nhận lời xin lỗi của thầy.
Còn sự việc xảy ra tại Cao đẳng FPT Polytechnic, sinh viên đó thừa nhận có hành động, phát ngôn, thái độ không đúng đối với giảng viên; đã liên hệ trực tiếp với giảng viên để xin lỗi và mong muốn được đồng hành cùng thầy trong môn học này và tiếp tục được hoàn thành chương trình học tại trường. Gia đình sinh viên cũng gửi lời xin lỗi giảng viên, nhà trường, bày tỏ nguyện vọng cho bạn một cơ hội sửa sai. Về phía giảng viên, thầy hiểu rằng các bạn trẻ có những phút bốc đồng, phạm phải sai lầm. Thầy giáo tha thứ cho hành động của sinh viên và sẵn sàng đón nhận bạn quay trở lại lớp học.
Đề cập về sự việc đáng tiếc đã xảy ra tại trường mình, PGS.TS Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Nhà trường chia sẻ với những khó khăn, bức bối mà thầy cô đang gặp phải. Tuy nhiên, trong môi trường sư phạm, việc giảng viên quát tháo, xúc phạm người học, dù với bất cứ lý do nào, đều sai. Vụ việc này khiến các giảng viên phải nhìn lại mình và có sự điều chỉnh khi giảng dạy trực tuyến”.
Trong thư ngỏ của Ban Giám hiệu nhà trường gửi toàn bộ giảng viên ngay sau đó có đoạn: “Xin các thầy cô quan tâm kìm hãm các mối bực dọc tâm lý, giữ các ứng xử đúng mực của một người làm công tác giảng dạy, tránh từ ngữ, phát biểu quá nặng nề. Việc giảng dạy online dẫu sao còn quá mới với tất cả chúng ta, bầu không khí trong lớp online lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo niềm hứng khởi học tập của sinh viên, nên một lần nữa rất mong quý thầy cô quan tâm đến vấn đề này…”.
Bày tỏ quan điểm cá nhân về sự việc gây ồn ào tại tiết học online, TS. Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết: Đứng trên góc nhìn sư phạm, tình huống này có thể là một bài học. Theo góc nhìn cá nhân, TS Thành cho đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và phần xử lý tình huống xứng đáng được biểu dương. Còn ở phần chìm, thầy cô giáo có thể xử lý tốt hơn nữa khi bao quát lớp học dù trực tiếp hay trực tuyến để phát hiện sớm những dấu hiệu bất ổn ở một người hay một nhóm người rồi khơi lên bề mặt sớm hơn; đồng thời giải quyết ngay giúp duy trì năng lượng tích cực của lớp học và TS Thành hy vọng thầy cô sẽ cố gắng hơn nữa dù giảng dạy trong bất kì hoàn cảnh nào bởi “mỗi sự việc đều cho ta bài học để việc dạy và học trở nên tốt hơn”.
Bình luận về những tình huống trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Giữa thầy và trò không nên có lời lẽ xúc phạm nhau vì môi trường giáo dục không cho phép xảy ra việc đó. Tuy nhiên, những người “gây nên” sự việc đã nhận ra sai lầm và nói lời xin lỗi thì hãy cho họ cơ hội để thay đổi, sửa sai và hy vọng rằng sự việc đáng tiếc kiểu này không lặp lại với những giảng viên, sinh viên đó nói riêng cũng như với môi trường sư phạm nói chung. |