Ngày 4/1/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm khóa XXI, nhiệm kỳ 2019-2024 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 10 để đánh giá kết quả hoạt động năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Trong năm 2022, Uỷ ban MTTQ các cấp huyện Gia Lâm đã vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu ước, hưởng ứng các Cuộc vận động, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”. Nổi bật, đã tập trung xây dựng các mô hình thực hiện tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, tiêu chí xây dựng phường, quận, tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế, vệ sinh môi trường; giúp đỡ hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn…
Điển hình như: “Mô hình giảm nghèo bền vững”, “Mô hình hỗ trợ hộ cận nghèo có việc làm ổn định”, “Mô hình Carema an ninh”, “Mô hình đoàn kết Lương Giáo - Tinh hoa làng nghề gốm cổ”, “Mô hình xây dựng cảnh quan đường làng, ngõ xóm, xây dựng cải tạo, nâng cấp sân chơi công cộng”… Qua đó, đã có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong lao động, nhiều cách làm sáng tạo, ý tưởng mới được biểu dương, khen thưởng.
Trong năm 2022, có 81,2% người qua đời được thực hiện hỏa táng, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 95,6%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 98,8%. Công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công và các hoạt động vì người nghèo được tích cực triển khai thực hiện, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng.
Cụ thể, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thu được trên 2,3 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” thu được 3,15 tỷ đồng; đã hỗ trợ xây mới 21 nhà, sửa chữa 4 nhà Đại Đoàn kết… Đặc biệt, đã hỗ trợ 100 triệu đồng xây mới 2 nhà cho hộ nghèo tại huyện Mê Linh và Sóc Sơn. Đến nay, huyện không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo giảm còn 256 hộ.
Công tác phối hợp giữa Mặt trận với HĐND, UBND, các đoàn thể và tổ chức thành viên, các ngành ngày càng chặt chẽ, có có hiệu quả thiết thực hơn. MTTQ các cấp huyện Gia Lâm đã tiếp nhận, phân loại 103 đơn đủ điều kiện xử lý, chuyển 100% đơn và được UBND các xã, thị trấn giải quyết, trả lời công dân đạt 93%; tham gia hòa giải thành đạt tỷ lệ 94%. Qua đó, tạo lòng tin trong Nhân dân và giảm thiểu đơn thư khiếu nại vượt cấp, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã thành lập 4 đoàn giám sát đối với 12 Đảng ủy, UBND xã, thị trấn. Phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội tham gia 6 cuộc giám sát về ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyển đổi mô hình sản xuất… Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân ở cơ sở.
Năm 2022, Ban Thanh tra Nhân dân xã, thị trấn đã giám sát 138 cuộc, qua đó, phát hiện 28 vụ việc vi phạm, đã kịp thời đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết 28/28 vụ, đạt 100%. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 134 công trình, dự án đầu tư ở các xã, thị trấn, đã phát hiện 29 công trình, dự án vi phạm, đã kịp thời khắc phục 29/29 công trình.
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã phản biện đối với 148 dự thảo văn bản, tổ chức 45 hội nghị phản biện xã hội; phối hợp tổ chức 23 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân để tháo gỡ, giải quyết những vấn đề vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng Đảng, quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm đề ra một số chỉ tiêu: 100% xã, thị trấn tổ chức ít nhất 2 đoàn giám sát độc lập, 2 hội nghị phản biện xã hội và phối hợp tổ chức tốt hội nghị đối thoại theo Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội. Vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” đạt 130% chỉ tiêu TP giao; 100% xã, thị trấn không còn hộ tái nghèo. Mỗi xã, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình “Đoàn kết sáng tạo” hoạt động hiệu quả…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt ghi nhận và đánh cao kết quả của Uỷ ban MTTQ từ huyện đến cơ sở trong thời gian qua. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm đề nghị hệ thống Mặt trận huyện bám sát định hướng trong chương trình công tác Mặt trận nói chung và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để hoạt động sát thực, hiệu quả.
Tiếp tục nâng cao công tác giám sát, phản biện, trong đó, phải lựa chọn nội dung để giám sát, phản biện và chọn thời điểm thực hiện; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đảm bảo đúng quyền lợi và trách nhiệm, để thực hiện đồng bộ, tránh chồng chéo. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức và kiện toàn công tác cán bộ…
Tại hội nghị, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm đã tiến hành hiệp thương bổ sung thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm, nhiệm kỳ 2019-2024. Nhân dịp này, 4 cá nhân đã được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đồng thời, Uỷ ban MTTQ huyện Gia Lâm đã tiến hành ký giao ước thi đua với 22 xã, thị trấn nhằm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2023.