Sau tết, dân công sở vẫn “đỏ mắt”... tìm quán ăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, người dân đã bắt đầu trở lại với guồng quay công việc. Tuy nhiên, không ít hàng quán gần các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội vẫn “cửa đóng then cài” khiến dân công sở quanh khu vực này tìm được một quán ăn rất khó.

Đáng nói là dù biết nhiều cửa hàng thức ăn vỉa hè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhưng vẫn phải bấm bụng ăn!

Mỏi mắt tìm hàng ăn

Con ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) gần Trường ĐH Công đoàn ngày bình thường la liệt quán ăn lớn nhỏ bán đủ thứ từ cơm, phở, bún, miến đến quà ăn vặt tráng miệng. Thế nhưng những ngày này, đa phần các quán ăn vẫn đóng cửa im lìm dù đã kết thúc đợt nghỉ tết được vài ngày.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
May mắn tìm được một hàng phở bò trong con ngách nhỏ, chị Quân Hoàng (nhân viên văn phòng) cho biết: “Tết xong đã chán ngán bánh chưng, giò chả thì chớ, đến khi đi làm muốn tìm hàng quán ăn sáng, ăn trưa cũng khó, mãi mới có một hàng mở cửa”. Trái ngược với khung cảnh thưa thớt ngày thường, những ngày này cửa hàng luôn tấp nập khách ra vào. Dù đến lúc 11 giờ trưa nhưng nhiều thực khách đã phải “thất thểu” đi về sau khi nhận được cái lắc đầu xua tay báo hiệu “hết hàng” từ chủ quán.

Tại một cửa hàng bún riêu trên phố Hòe Nhai (Ba Đình, Hà Nội), dù đã hết đợt nghỉ tết từ lâu xong chủ quán vẫn treo biển “sừng sững”: “Ngày tết, để phục vụ được chu đáo, nhà hàng bán một loại giá: Thập cẩm 65.000 đồng”. Dù giá tăng gấp đôi so với ngày thường nhưng vào các giờ cao điểm, các bàn ăn trong quán đều chật kín người. Từ chủ quán, nhân viên đến thực khách, ai cũng cập rập vội vã, chỉ muốn “nhanh chóng” ăn cho xong” để… còn chỗ cho người đến sau.

Chưa kể, do quá đông khách, nhiều người đến sau dù gọi bát đầy đủ nhưng chỉ còn lác đác một ít bún, chút riêu, ốc nhưng mức giá vẫn giữ nguyên không đổi. Khi khách hàng thắc mắc, chủ quán này đáp gọn lỏn: “Chỉ có thế thôi, ăn thì ăn. Hết hàng rồi!”.

Bẩn, nhưng vẫn… đông khách

Theo quan sát của PV tại vài cửa hàng ăn vặt quanh khu vực các trường ĐH: Sư Phạm, Quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền…, để chế biến các món ăn như bánh khoai, bánh ngô rán, xúc xích, lạp xưởng, nem chua rán…, chủ các cửa hàng đa phần đều sử dụng dầu ăn đựng trong những can nhựa cỡ lớn, không ghi rõ nhãn mác. Các chai nhựa sau khi hết nước được tận dụng để tích tương ớt và sốt đỏ quạch, không rõ chất lượng. Người bán hàng tay “trần” thoăn thoắt thả từng món vào chảo dầu đen ngòm, được tái sử dụng nhiều lần từ ngày này qua ngày khác, bất chấp thứ dầu đó có thể gây nguy hiểm về sức khỏe cho thực khách.

Tại một cửa hàng bún tại ngõ 165 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), rau sống, thịt sống được thái ngay trên vỉa hè, ngay cạnh miệng cống thoát nước. Đồ ăn sau khi chế biến xong được đặt ngay lên trên bàn mà không có dụng cụ, tủ kính che đậy. Tất cả các loại bát đĩa, thìa dĩa sau khi thực khách ăn xong được “tống” hết vào một xô nước cáu bẩn ngầu mỡ rồi tráng qua loa. Trong một ngày, chiếc xô này có thể được dùng để rửa hàng trăm cái bát!

Để “tổng tấn công” các cửa hàng thức ăn vỉa hè không đảm bảo VSATTP, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30/2012/TT-BYT ban hành những quy định về điều kiện an toàn thực phẩm như bán hàng phải có mũ, khẩu trang, tạp dề, đeo găng tay khi chế biến thức ăn… Tuy nhiên, đáng nói đến nay nhiều chủ cơ sở kinh doanh vẫn tỏ ra “thờ ơ”, bằng chứng rõ ràng nhất là cảnh tượng các chủ quán “tay không” lấy thức ăn cho khách diễn ra như cơm bữa.

Đáng nói là dù không đảm bảo VSATTP xong khách hàng vẫn cứ… nườm nượp bởi không còn sự lựa chọn nào khác, bởi tại thời điểm này, số lượng hàng quán gần khu vực các trường đại học, cao đẳng mở sau tết còn quá ít ỏi, cung không đủ cầu!