Sau Tết, kênh đầu tư nào sinh lời nhất?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các kênh đầu tư trước Tết đều có những biến động không ngừng. Giữa lúc chứng khoán có dấu hiệu hồi phục thì giá vàng lại lao dốc, lãi suất giảm.

Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một Công ty Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Trần Quỳnh
Kênh đầu tư vàng sẽ nóng lên
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/2 (ngày 30 Tết Tân Sửu), giá vàng thế giới giao ngay theo Kitco là 1.823 USD/ounce, giảm gần 20 USD so với ngày hôm trước. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm khoảng gần 50 USD, tương đương 2,6%. Sức cầu suy giảm khi nhiều nước tại khu vực châu Á đã bắt đầu kỳ nghỉ Tết.

Giá vàng thế giới sụt mạnh, có lúc xuống dưới ngưỡng 1.790 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn neo cao do gần đến ngày Thần tài. Sáng 11/2, giá mua vàng miếng hiệu SJC là 56,85 triệu đồng/lượng và bán ra 57,35 triệu đồng/lượng. So với ngày hôm trước, giá vàng tăng thêm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, mỗi lượng vàng miếng SJC tại Việt Nam cao hơn thế giới 6,15 triệu đồng. Đây cũng là mức chênh kỷ lục kể từ thời điểm giữa năm 2020 đến nay.

Giá vàng trong nước dịp gần đây chỉ bám sát giá vàng thế giới ở chiều đi lên, còn ở chiều ngược lại thì giảm rất chậm. Theo các chuyên gia, sở dĩ có hiện tượng này là do sức mua vàng từ người dân tăng lên do gần đến ngày Thần tài (mồng 10 tết). Những năm gần đây, sức mua vàng thường tăng lên từ thời điểm cuối năm và kéo dài sang sau Tết vì quan niệm "đầu năm mua vàng là may" chứ không chờ đến ngày mùng 10. Do vậy các công ty vàng neo giá vàng ở mức cao chứ quyết không giảm theo đà biến động của giá vàng thế giới.

Anh Nguyễn Long (Hà Nội) cho biết đã mua 4 lượng vào trước kỳ nghỉ Tết khoảng 2 tuần và đợi đến đúng ngày vía Thần Tài để bán ra hưởng chênh lệch. Nhân viên một cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, những ngày giáp Tết, chủ yếu người dân đến mua vào. Nguyên nhân một phần là do giá vàng có chiều hướng giảm và nhu cầu sắm vàng trước Tết, đặc biệt là trước ngày vía Thần tài để có giá mua vào tốt hơn.

Các DN kinh doanh vàng trong nước đồng loạt thông báo khai xuân vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, mong chờ một năm tài chính “khởi sắc” cho tài sản kim loại quý này. Năm nay do dịch Covid-19, nên các DN vàng tổ chức bán hàng online nhằm mang lại sự tiện lợi cho khách hàng.

Lãi suất giảm, chứng khoán được dịp thăng hoa

Trong dịp sát kỳ nghỉ Tết, hàng loạt ngân hàng (gồm cả có vốn nhà nước và tư nhân) có động thái hạ lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn, mức giảm phổ biến từ 0,1 - 0,4 điểm phần trăm.

Tại Vietcombank đã giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất tại hầu hết kỳ hạn tiền gửi. Lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,5% cho kỳ hạn 12 tháng, gửi 6 - 9 tháng nhận lãi 3,8% còn nếu gửi một tháng chỉ được trả mức lãi 2,9%/ năm.

Đây là lần giảm lãi suất tiền gửi đầu tiên của Vietcombank trong năm 2021 nhưng đã là lần điều chỉnh thứ 6 kể từ đầu năm 2020. Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng còn 2,35 - 2,5%/năm với khách hàng thường dưới 50 tuổi và 2,6 - 2,7%/năm với khách hàng thường trên 50 tuổi.

So với cuối năm 2020, mức lãi suất này đã giảm 0,1 - 0,15 điểm phần trăm tùy khoản tiền gửi. ACB giảm 0,1 điểm phần trăm ở một vài kỳ hạn, VietABank giảm từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm. Sacombank thậm chí giảm 0,3 - 0,4 điểm phần trăm với hầu hết kỳ hạn chủ chốt. Biểu lãi suất cao nhất của Sacombank dao động từ 3,3 - 5,7%, thấp hơn so với mức 3,6 - 6%.

Một số ngân hàng khác như: SHB, ABBank, BacABank, Oceanbank, PVCombank, CBBank, GPBank, CBBank cũng giảm lãi suất, hầu hết là với kỳ hạn từ 6 tháng trở đi.

Diễn biến này trái với việc lãi suất liên ngân hàng tăng liên tục sát Tết. NHNN đã bơm ròng 24.000 tỷ đồng nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn tăng mạnh do nhu cầu dịp Tết.

Việc lãi suất tiền gửi giảm vào dịp sát Tết năm nay được lý giải là do việc thanh khoản dồi dào và số cho vay ra cả năm 2020 thấp hơn kế hoạch tại nhiều ngân hàng. Còn lãi suất liên ngân hàng tăng chỉ là yếu tố mang tính chất thời vụ, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt khi tiền mặt ngoài lưu thông trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết. Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã hồi phục trong dịp cuối năm, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn so với tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng dẫn đến tình trạng “thừa tiền” trong hệ thống. Do đó nhiều ngân hàng có xu hướng giảm lãi suất huy động dịp sát Tết để giảm chi phí vốn đầu vào.

Theo các chuyên gia khả năng lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý I khi sức cầu nền kinh tế vẫn khá yếu và dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Do lãi suất giảm, nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư có khả năng sinh lời là chứng khoán. Những ngày thị trường giảm điểm, một số nhà đầu tư mới tham gia vẫn không dừng lại. Với mặt bằng lãi suất huy động thấp như hiện nay, khả năng ra Tết dòng tiền sẽ mạnh dạn quay trở lại, chứng khoán sẽ tiếp tục có những phiên thăng hoa.

Thông tin đáng chú ý là theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong tháng 1/2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 86.269 tài khoản chứng khoán, tăng tới 36,4% so với tháng trước đó. Đây là số tài khoản mở mới trong một tháng lớn nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.

Thị trường chứng khoán tiếp tục chạm đỉnh cao mới nhờ những thông tin kỳ vọng gói hỗ trợ kinh tế mới. VN-Index tăng hơn 30 điểm trong phiên cuối trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ Tết. Nhiều nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu trước Tết với hi vọng rằng tuần giao dịch đầu tiên của năm mới Tân Sửu thị trường sẽ tăng điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần