Sau thảm kịch 27 người di cư chết đuối, EU triển khai máy bay giám sát tại eo biển Manche

Nguyễn Phương (Theo Iirishexaminer)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định sự cần thiết phải hợp tác với Vương quốc Anh để giải quyết vấn đề di cư sau sau thảm kịch lật thuyền khiến 27 người di cư trái phép chết đuối ở Eo biển Manche.

Ngày 28/11, các bộ trưởng nội vụ của Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan cùng đại diện Ủy ban châu Âu đã nhóm họp tại Pháp nhằm thảo luận những cách thức ngăn chặn những người di cư vượt Eo biển Manche. Động thái trên diễn ra sau sự cố 27 người di cư thiệt mạng hôm 24/11 khi tìm cách vượt biển từ Pháp sang Anh.
 Các bộ trưởng nội vụ  châu Âu cùng đại diện Ủy ban châu Âu đã nhóm họp tại Pháp nhằm thảo luận những cách thức ngăn chặn những người di cư vượt Eo biển Manche hôm 28/11. Ảnh: AP
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin tiết lộ tại cuộc họp hôm 28/11, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với Vương quốc Anh để giải quyết vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Darmanin, Cơ quan Biên phòng và bờ biển châu Âu đã đồng ý cung cấp một máy bay giám sát đường bờ biển phía bắc Pháp từ ngày 1/12.
Các quan chức nội vụ châu Âu cũng cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để ngăn chặn các mạng lưới vận chuyển người di cư trái phép.
Phát biểu sau cuộc họp hôm chủ nhật, Ủy viên Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson nhấn mạnh: “Chúng ta phải ngăn chặn hoạt động buôn người di cư qua tuyến đường đầy nguy hiểm này cũng như tránh để xảy ra tình trạng hỗn loạn tại biên giới EU".
Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel bày tỏ sự hài lòng với quyết định điều động máy bay giám sát tại Eo biển Manch của Cơ quan Biên phòng và bờ biển châu Âu.
Bộ trưởng Patel cho biết trên Twitter: “Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp với những người đồng cấp châu Âu trong tuần này để ngăn chặn những thảm kịch tiếp theo ở Eo biển Manch”.
Trước đó, 27 người di cư, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng hôm 24/11 trên vùng biển giữa Anh và Pháp, nơi chứng kiến khoảng 25.700 người tìm cách băng qua eo biển nhộn nhịp này một cách trái phép bằng những phương tiện nhỏ. Vụ việc đã làm bùng lên tranh cãi gay gắt giữa Anh và Pháp về vấn đề người di cư.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 25/11 đã viết thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đề ra 5 bước hai nước có thể thực hiện để ngăn chặn các di dân thực hiện hành trình nguy hiểm vượt eo biển sang xứ sở sương mù. Một trong số đó là đưa những người di cư bất hợp pháp trở lại Pháp, khiến Paris vô cùng tức giận.
Pháp đã hủy mời Bộ trưởng Bội vụ Anh Priti Patel tới dự cuộc họp với những người đồng cấp châu Âu để thảo luận về vấn đề hôm 28/11, sau khi ông Johnson công khai bức thư trên Twitter./.