Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

SCIC được đà thoái vốn

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đợt thoái vốn thành công ngoài mong đợi ở Vinamilk (Mã CK: VNM), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tiếp tục triển khai thoái vốn tại một loạt DN lớn trong tháng 11 và 12/2017.

Kinh nghiệm từ đợt bán vốn mới đây tại Vinamilk được kỳ vọng sẽ được SCIC phát huy cho các đợt chào bán cổ phần tới đây.
Thoái vốn Vinamilk, thu vượt gần 2.000 tỷ đồng

Ngày 10/11, phiên đấu giá chào bán cổ phiếu VNM của SCIC đã thành công ngoài mong đợi khi giá trị mà SCIC thu về vượt gần 2.000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. Kết quả, nhà đầu tư Platinum Victory, công ty con của Tập đoàn Singapore Jardinr Cycle&Carriage (JC&C) - đơn vị thành viên của Tập đoàn đầu tư đa ngành Jardine Matheson, có trụ sở tại Hongkong (Trung Quốc) đã chi gần 9.000 tỷ đồng để ôm trọn hơn 48,3 triệu cổ phiếu VNM (tương đương 3,33% cổ phần Vinamilk).

Đợt bán vốn SCIC tại Vinamilk lần 2 đã thành công ngoài dự kiến.

Rút kinh nghiệm từ đợt bán vốn có kết quả khiêm tốn của đợt 1, lần này, có thể thấy SCIC đã thay đổi và chuyển hướng cách tiếp cận bán vốn. Nếu như đợt 1, SCIC tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư (roadshow) cho các nhà đầu tư khu vực châu Âu thì lần 2, SCIC đã chuyển hướng sang nhà đầu tư tại khu vực châu Á, cụ thể là Singapore và Hongkong, hai khu vực đang quan tâm lớn đến cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Các cuộc roadshow này đã thu hút hơn 35 nhà đầu tư nước ngoài tham dự.

Ngoài ra, lần thoái vốn này, SCIC đã đưa ra một mức giá khởi điểm phù hợp với giá trị DN, với thị trường, đồng thời bảo đảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Với mức giá phù hợp cộng với giá trị của một DN hàng đầu về quy mô và tốc độ tăng trưởng trên thị trường sữa Việt Nam, có tiềm năng tăng trưởng mạnh, đợt bán vốn SCIC tại Vinamilk lần 2 đã thành công ngoài dự kiến.

Tiếp đà thành công từ thương vụ Vinamilk, trong tháng 12, SCIC sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh cổ phần tại 5 DN lớn gồm Vinaconex (VCG), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Domesco (DMC) và FPT.

Tìm “chìa khóa thành công”

Có thể thấy, thời gian qua, SCIC đã có những cải cách đáng kể trong phương thức thoái vốn của mình. Cụ thể, SCIC quan tâm đến quá trình đấu thầu để tăng tính minh bạch thay vì chỉ bán riêng phần lớn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược như trước kia. Để thực hiện được việc này, SCIC đã nhờ đến đơn vị tư vấn, triển khai tổ chức roadshow trong nước và quốc tế. Mới đây, trong 2 ngày 16/11 và 17/11, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, SCIC đã phối hợp với HNX và HOSE tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư mua cổ phần VCG, NTP, BMP, DMC và FPT.

Theo quan sát của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), SCIC tổ chức roadshow không chỉ nhằm mục đích quảng bá mà còn để tìm hiểu nhu cầu thực tế của giới đầu tư. Từ đây, SCIC có thể ước lượng mức độ tiềm năng của đợt thoái vốn, tham khảo cung cầu thị trường, thêm cơ sở để xác định mức giá khởi điểm phù hợp. Ngoài ra, SCIC cũng chọn cách giao dịch đối ứng trực tiếp qua sàn chứng khoán nếu giá thắng thầu nằm trong khoảng giá đưa ra. SCIC cũng đã có những quyết định đơn giản hóa về mặt quy trình, thủ tục. Chẳng hạn, nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu từ đợt thoái vốn của SCIC có thể được phép nộp ID giao dịch chậm (tối đa 15 ngày sau ngày thanh toán), có thể đặt cọc bằng USD, giao dịch ký quỹ ở tất cả các ngân hàng được cấp thẩm quyền. Trước đây, việc ký quỹ được yêu cầu bằng tiền đồng. Đặc biệt, tiền đặt cọc được tính là một phần của thanh toán nên nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị phần tiền còn lại để trả nốt giá trị giao dịch.

Trong tương lai, SCIC còn muốn sử dụng phương thức dựng sổ trong thoái vốn cổ phần nhưng phải đợi Chính phủ chỉnh sửa lại nghị định liên quan. Quá trình này cần thêm một khoảng thời gian. Trong khi chờ đợi, SCIC đang cân nhắc và xin Chính phủ cho phép thoái vốn bằng cách bán cổ phần cả lô để có giá tốt hơn từ thị trường. Điều này sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn bởi nhiều trường hợp, cổ đông lớn chỉ quan tâm đến việc mua một phần vốn của SCIC để tiến đến nắm giữ cổ phần chi phối.

Theo giới phân tích, để bán được hàng, SCIC cũng cần quan tâm “đo ni đóng giày” cho từng thương vụ thoái vốn cụ thể bởi mỗi DN lại có những câu chuyện riêng như tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các chỉ số tài chính khác nhau… Vì thế, lựa chọn mức giá, cách thức tiếp cận bán vốn thế nào để thu hút nhà đầu tư, SCIC và các đơn vị tư vấn sẽ phải cân nhắc nhiều.