Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ ban hành quy chế quản lý biệt thự cổ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tư nhân sẽ được phép mua biệt thự cổ nhưng việc cải tạo nâng cấp phải tuân theo quy chế quản lý của Hà Nội.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, mặc dù được phép sở hữu bằng cách mua lại, nhưng tư nhân không được tự ý cải tạo biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội. Tư nhân muốn chỉnh sửa, thay đổi kiến trúc phải xin phép và được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước.

Tất cả các biệt thự muốn thực hiện cải tạo, bảo tồn phải được sự phê duyệt, cho phép của các sở ngành liên quan, là Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Quy hoạch và Kiến trúc. Không chỉ quản lý về cảnh quan kiến trúc, ngay cả màu sắc biệt thự trước khi cải tạo cũng cần phải có sự thống nhất và được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, nếu đã là biệt thự để ở thì chỉ được phép ở, tuyệt đối không được thay đổi chức năng của từng loại hình biệt thự.
 
Sẽ ban hành quy chế quản lý biệt thự cổ - Ảnh 1

Hiện, Sở Xây dựng đang trình UBND TP Hà Nội dự thảo quản lý biệt thự cổ trong đó có những điều kiện mở để khuyến kích tư nhân, tổ chức… thu gom các căn hộ trong các biệt thự cổ để quy về một đầu mối sở hữu. Việc này nhằm mục đích bảo tồn các biệt thự cổ tại Hà Nội đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn đang có khoảng 1.586 biệt thự cổ, trong đó có 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, hơn 1.000 biệt thự còn lại thuộc sở hữu Nhà nước. Ngoài ra có 42 biệt thự nằm trong khu trung tâm chính trị Ba Đình không được phép tư nhân hóa.

Các loại biệt thự cổ đã được phân thành ba loại: biệt thự có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử vẫn giữ được nguyên bản về cảnh quan kiến trúc; Biệt thự có giá trị về văn hóa, kiến trúc nhưng đã bị biến dạng, cần bảo tồn; Loại thứ ba có giá trị trung bình về văn hóa, đã bị cải tạo lấn chiếm đang được xem xét bảo tồn hoặc phá bỏ xây lại.