Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẻ chia kinh nghiệm xây dựng thành phố xanh

Doãn Thành - Dương Thùy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/4, Đoàn công tác của Sở TN&MT Đà Nẵng đã có chương trình làm việc chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường xây dựng TP xanh tại huyện Đông Anh và quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Trong khuôn khổ chương trình, đại diện huyện Đông Anh cho biết, hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Đông Anh đã được nhân rộng ra toàn bộ 24/24 xã, thị trấn, một số địa bàn điểm tỷ lệ rác thải không phải qua chôn lấp giảm từ 50 – 70%.

Đoàn công tác của Sở TN&MT Đà Nẵng thăm quan mô hình tái chế, phân loại rác trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh Doãn Thành.
Đoàn công tác của Sở TN&MT Đà Nẵng thăm quan mô hình tái chế, phân loại rác trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh Doãn Thành.

Ông Nghiêm Thọ Thoan - Phòng TN&MT huyện Đông Anh cho biết, huyện đã triển khai thí điểm và nhân rộng 24 xã, thị trấn trong đó 3 xã (Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng) các thôn, làng đạt tỷ lệ triển khai 100%; 20 xã, thị trấn còn lại ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm. Mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tịa nhà đến hết tháng 2/2022 có 7.621 hộ tham gia triển khai.

“Riêng tại 9 xã Liên Hà, Dục Tú, Mai Lâm, Cổ Loa, Bắc Hồng, Nam Hồng, Việt Hùng, Tàm Xá, Uy Nỗ tỷ lệ lượng rác giảm không phải chôn lấp ở bãi tâp trung đạt từ 50 - 70% tổng lượng rác thải phát sinh của các hộ được kiểm kê (trong đó 59% là rác hữu cơ, 12% là rác tái chế)” – ông Nghiêm Thọ Thoan thông tin.

Theo kết quả đánh giá của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh, kết quả vận chuyển rác trên địa bàn huyện đến khu xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021: 83.147 tấn, trung bình phát sinh 227 tấn/ngày. So sánh với lượng rác phát sinh năm 2020: 87.556 tấn, trung bình phát sinh 239 tấn/ngày, lượng rác phát sinh năm 2021 giảm hơn khoảng 12 tấn/ngày, để đạt được kết quả đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình.

“Một trong những kết quả quan trọng đó là nhận thức của người dân về việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã được nâng lên, từng bước hình thành ý thức, trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, đặc biệt là việc ứng dụng phương pháp kỹ thuật mới để biến rác thành phân bón hữu cơ sử dụng trong trồng trọt…” - ông Nghiêm Thọ Thoan cho biết thêm.

Theo đánh giá, nếu tích cực triển khai nhiệm vụ phân loại, xử lý rác thải tại nguồn sẽ nâng cao được nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường của các hộ gia đình, giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển, đem chôn lấp, thu được nguồn phân bón hữu cơ và một số nguyên liệu có thể tái chế, góp phần cải thiện chất lượng không khí, môi trường, sức khỏe người dân.

Hà Nội chia sẽ kinh nghiệm xây dựng thành phố xanh với Đà Nẵng. Ảnh Dương Thùy.
Hà Nội chia sẽ kinh nghiệm xây dựng thành phố xanh với Đà Nẵng.
Ảnh Dương Thùy.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, hiện nay, các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng bên cạnh quá trình đô thị hoá. Tình trạng rác thải gia tăng, ô nhiễm không khí, sông hồ ô nhiễm… đã gây sức ép lên sức khoẻ cộng đồng và chất lượng cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, một số vấn đề cần nhìn nhận như nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm (không khí, rác thải,…) còn hạn chế; thiếu giải pháp tổng thể, toàn diện và bền vững; thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan (nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức phát triển,…).

Trước thực trạng trên, cần triển khai những  giải pháp góp phần chung tay hướng tới xây dựng TP khoẻ mạnh và đáng sống dựa trên các tiêu chí: Không khí sạch, quản lý rác thải hiệu quả, giao thông xanh, trường học xanh và các giải pháp khác.

Cụ thể, cần đẩy mạnh truyền thông và sự tham gia của cộng đồng; rà soát thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch hiện có trong quản lý môi trường (không khí, nước, rác…); năng cường năng lực thực thi; nghiên cứu khoa học và xây dựng cơ chế phối kết hợp giữa các bên liên quan.

Bà Lê Thanh Thủy - Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, chương trình chung tay hướng tới đô thị xanh được sự ủng hộ, gắn kết từ nhiều đơn vị liên quan như các tổ chức phát triển (WB, USAID, JICA, C40, Đại sứ quán,…), đại diện các NGOs phối hợp: Trung tâm sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (LiveLearn), Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR),… Trong đó, Sở TNMT Hà Nội giữ vai trò nòng cốt.

Nhằm cải thiện môi trường Thủ đô, Hà Nội đã và đang triển khai các chương trình như: Giao thông xanh (Xe sạch trời xanh: Kiểm soát khí thải xe máy); Xoá bỏ bếp than tổ ong tại Hà Nội; Hạn chế đốt rơm rạ tình trạng ô nhiễm môi trường đã từng bước được cải thiện.

Trước sự thành công của các chương trình trên, cơ quan chức năng dự kiến đưa 2 chương trình này vào tiêu chí đánh giá nông thôn mới trong thời gian tới.