Sẻ chia với miền Trung

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, hình ảnh từ các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… tan hoang trong các đợt mưa lũ kéo dài, ngập lụt, sạt lở đất khiến chúng ta không khỏi xót xa. Đau lòng hơn là số người gặp nạn liên tục tăng bởi sạt lở đất, lũ cuốn.

Di chuyển người dân ra khỏi khu vực ngập lũ tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thanh Thủy
Những con số “biết nói” qua thống kê hàng ngày là thông điệp không thể làm ngơ đối với tất cả mọi người. Số người chết và người mất tích vẫn tăng, trong đó có cả những cán bộ, chiến sĩ làm công tác cứu hộ, cứu nạn và mưa bão vẫn còn tiếp diễn. Chưa kể đến hàng trăm ngàn nhà dân ở các tỉnh miền Trung bị ngập chìm trong biển nước khiến rất nhiều người lâm cảnh màn trời chiếu đất; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, nhiều vùng bị cô lập… Dù ngay khi xảy ra mưa lớn, các địa phương đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, không để người dân bị đói, khát… nhưng khi nhà cửa cùng tài sản gây dựng bao năm đã bị nước nhấn chìm, hoa màu, lương thực cũng không còn, việc khôi phục lại cuộc sống với người dân là điều vô cùng khó khăn.

Đây cũng là lúc các cấp chính quyền, người dân cả nước, trong đó có Hà Nội cùng hướng về đồng bào miền Trung. Thường trực Ban Bí thư đã có Điện gửi các cấp ủy Đảng; Thủ tướng Chính phủ có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung… Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm, chia sẻ những khó khăn, đau thương, mất mát, lo âu của gia đình những người hiện đang bị mất tích, gia đình người bị tử nạn do thiên tai, nhất là gia đình những người đang bị mất liên lạc, bị nạn do sạt lở đất. Ðồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt. Và lúc này với tinh thần "tương thân, tương ái", liên tục những tấm lòng cũng đến với đồng bào miền Trung… Tại Hà Nội, nhằm kịp thời chia sẻ với những khó khăn của đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do mưa lũ, tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, các đại biểu cũng đã quyên góp ủng hộ đồng bào, TP Hà Nội đã sớm trích từ Quỹ Cứu trợ TP 7 tỷ đồng để hỗ trợ bước đầu cho các gia đình gặp khó khăn và tiếp tục có những hành động ủng hộ khác.

Tất cả đều hy vọng khúc ruột miền Trung mau chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Các gia đình có người gặp nạn, bị ảnh hưởng bởi mưa bão sẽ ấm lòng và tin tưởng với sự quan tâm thiết thực để vượt qua khó khăn trước mắt và lâu dài.

Cùng với đó, tại chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” 2020 vừa được phát động, thông điệp hướng về người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai được đặc biệt nhấn mạnh. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta. Từ thông điệp nhân văn ấy, chắc chắn sẽ có nhiều hơn những hành động nhân ái, những tấm lòng chung tay cùng cộng đồng. Dù chỉ là hành động nhỏ như mang đến cho người dân bị ngập lụt một bữa ăn, một manh áo, một tiếng cười hạnh phúc giúp họ thấy ấm áp hơn, hay những hành động lớn lao giúp mang đến cuộc sống ổn định sau thiên tai, đều đáng trân trọng. Sự chung tay của cộng đồng, xã hội đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, giúp cho đồng bào miền Trung thêm động lực để vượt qua khó khăn.