Sẽ có làn sóng đầu tư FDI thứ ba vào Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần ba thập niên thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa thu hút các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, Việt Nam đã đón nhận một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua hàng ngàn dự án đăng ký đầu tư trên cả nước.

Nguồn vốn này đã và đang có những đóng rất quan trọng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Sự xuất hiện của các hàng trăm tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) lớn trên thế giới đã và đang tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

 
Lắp ráp linh kiện tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Hải Linh
Lắp ráp linh kiện tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Hải Linh
Theo các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm với chủ đề "Việt Nam và "cuộc chơi lớn" của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam" diễn ra hôm qua, 5/3, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải rất công bằng khi đánh giá đến vai trò của các doanh nghiệp FDI. Việc các TNC lớn trên thế giới lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư dài hạn đã giúp nước ta trở thành một trong những cứ điểm sản xuất và phân phối quan trọng trên bản đồ kinh doanh toàn cầu. Ngoài ra, việc kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đạt 80,91 tỷ USD (chưa tính dầu thô), tăng 26,3% so với năm 2012 đã phần nào giúp kinh tế Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại cuộc tọa đàm, GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, sau khủng hoảng kinh tế, Việt Nam tiếp tục trở thành đích đến của nhiều TNC. Dân số Việt Nam đang tiệm cận 100 triệu, 15% thuộc tầng lớp trung lưu, có khả năng tiêu thụ sản phẩm giá trị cao. Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam cũng tương đối tốt, được dự báo sẽ rơi vào khoảng 6 - 7,5% và duy trì được sự ổn định chính trị tốt nhất ở Đông Nam Á - điều mà các TNC đánh giá rất cao ở nước ta. Ngoài ra, các hiệp định thương mại sắp ký kết sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho các TNC tận dụng các lợi thế khi tham gia mậu dịch thế giới… đã tạo ra lợi thế rất lớn cho Việt Nam. Theo GS.TS Nguyễn Mại, những yếu tố trên đủ để dự báo về một làn sóng đầu tư FDI thứ ba vào Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020, sau hai lần trước vào giai đoạn 1991 - 1997 và 2003 - 2007.