Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ có thêm xe điện gom khách từ khu dân cư ra đường sắt đô thị

Thịnh An - Hồng Thái - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Để tạo sự liên thông, TP đã điều chỉnh các tuyến xe bus để gom khách tới tuyến đường sắt đô thị; đầu tư đường hầm, ngoài ra còn có giải pháp trước mắt nhằm tạo sự liên hoàn là phát triển hệ thống xe đạp công cộng"-Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Nguyễn Phi Thường thông tin.

Chiều 14/10, trong khuôn khổ chương trình Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội lần thứ VIII, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh gặp mặt và đối thoại với thanh niên Thủ đô.

Quang cảnh chương trình đối thoại
Quang cảnh chương trình đối thoại

Theo tổng hợp của Thành đoàn Hà Nội và Sở Nội vụ TP, trước khi diễn ra đối thoại, đoàn viên, thanh niên các khối địa bàn dân cư, thanh niên trường học, công nhân viên chức... đã gửi tới chương trình hơn 700 ý kiến liên quan tới 3 nhóm vấn đề: "Hà Nội xanh"; "Hà Nội văn hiến"; "Hà Nội văn minh, hiện đại".

Sẽ đưa môn "Hà Nội học" vào chương trình giáo dục

Tại chương trình, đại biểu Đinh Công Thành - giáo viên, Tổng phụ trách Đội, Liên đội trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) nêu câu hỏi: Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", trong đó có đề cập đến nội dung đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. Vậy trong thời gian tới UBND TP, Sở GD&ĐT dự kiến triển khai thực hiện đối với nội dung này như thế nào?.

Đại biểu Đinh Công Thành (quận Cầu Giấy) nêu vấn đề tại buổi đối thoại
Đại biểu Đinh Công Thành (quận Cầu Giấy) nêu vấn đề tại buổi đối thoại

Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, vấn đề liên quan đến giáo dục đào tạo luôn được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thời gian qua, ngành giáo dục Hà Nội đã phối hợp với các Ban của Thành ủy, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Thành ủy biên soạn tài liệu giáo dục địa phương.

Nội dung cuốn tài liệu này sẽ có những hướng dẫn cụ thể như đến với Hà Nội có những di tích lịch sử nào; Hà Nội có những món ăn ngon gì; Hà Nội có gì đặc sắc...

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và các trường đại học trên địa bàn TP biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương. Trong đó, "Hà Nội học" cũng là một trong những nội dung của giáo dục địa phương.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trả lời câu hỏi của đại biểu
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trả lời câu hỏi của đại biểu

"Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên để mỗi thầy cô giáo là một tuyên truyền viên tích cực lan tỏa hình ảnh đẹp của Thủ đô văn hiến, văn minh, nghĩa tình" - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc đưa nội dung "Hà Nội học" và "Giáo dục địa phương" vào trong các nhà trường hiện nay đang vướng phải một số rào cản, đó là khung chương trình năm học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định với cấp THCS có 1.032 tiết học/năm - tức là khoảng 29,5 tiết học/tuần; cấp THPT có 1.015 tiết học/năm - khoảng 29 tiết học/tuần.

Để đưa môn "Hà Nội học" cùng chương trình Giáo dục địa phương vào khung chương trình năm học đòi hỏi ngành giáo dục cần có sự tính toán hợp lý, tránh sự quá tải cho học sinh. "Hiện nay, Luật Thủ đô sửa đổi đã cho phép Hà Nội chủ động trong việc này. Thời gian tới, khi được sự cho phép, chúng tôi chắc chắn sẽ triển khai đưa "Hà Nội học" vào chương trình giáo dục” - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Kim Huyền (quận Hoàn Kiếm) phát biểu tại chương trình
Đại biểu Trần Kim Huyền (quận Hoàn Kiếm) phát biểu tại chương trình

Khẳng định ý nghĩa giáo dục thiết thực của bộ môn "Hà Nội học", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, Hà Nội xứng đáng là một đối tượng để nghiên cứu. Đã có nhiều người dành cả cuộc đời để tìm hiểu về Hà Nội.

"Chỉ khi nào hiểu về Hà Nội, chúng ta mới thực sự yêu Hà Nội và dùng những hành động, ý nghĩa, việc làm thiết thực của mình để xây dựng Thủ đô” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Luật Thủ đô 2024: nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút nhân tài

Quan tâm đến vấn đề thu hút trọng dụng nhân tài, đại biểu Trần Kim Huyền, Bí thư Quận đoàn - Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên quận Hoàn Kiếm đặt vấn đề, trong thời gian tới liệu có thể thay đổi trong quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm đội ngũ trí thức vào những vị trí trong hệ thống chính trị, các cơ quan Nhà nước?. Cùng với đó là thử thách, rèn luyện, bồi dưỡng để ngày càng có nhiều trí thức đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh trả lời câu hỏi của đại biểu
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh trả lời câu hỏi của đại biểu

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, TP luôn quan tâm thu hút nhân tài vào làm việc với nhiều cơ chế, chính sách, tuy nhiên còn khó khăn do vướng chỉ tiêu biên chế, chính sách tiền lương nên chưa thực sự phát huy hiệu quả.

"Sau khi Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2025, Hà Nội sẽ có điều kiện áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và có sự chủ động trong công tác tuyển dụng, bảo đảm thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác trong khu vực công" - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội thông tin.

Giải pháp kết nối các tuyến giao thông công cộng?

Tại chương trình, đại biểu Lê Trà My, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân nêu thực trạng còn thiếu kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị, xe bus khiến việc di chuyển của người dân khi tham gia các tuyến này còn hạn chế.

Đại biểu Lê Trà My (quận Thanh Xuân) phát biểu tại chương trình
Đại biểu Lê Trà My (quận Thanh Xuân) phát biểu tại chương trình

“Trong thời gian tới TP có dự kiến phát triển và đầu tư các tuyến đường sắt nào khác hay phương tiện nào khác để nhanh chóng kết nối các tuyến này hay không?” - đại biểu Lê Trà My nêu.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, TP đang phát triển, ùn tắc giao thông là hiện hữu. Hiện chúng ta có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có khoảng 1,2 triệu ô tô.

“Chúng tôi cũng cho rằng, giải pháp căn cốt nhất là đầu tư hệ thống đường sắt đô thị mới có thể giải quyết được ùn tắc giao thông. Theo quy hoạch, TP có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng số 417km. Với sự cố gắng rất lớn của TP, đến nay chúng ta có 2 tuyến đã đi vào hoạt động. Để phát huy được hết tiềm năng, mạng đường sắt đô thị phải được liên thông, chúng ta phải có cả 10 tuyến, tuy nhiên, trong phạm vi đầu tư thì chúng ta chỉ có thể có từng tuyến một"- Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết.

Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Nguyễn Phi Thường trả lời câu hỏi của đại biểu
Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Nguyễn Phi Thường trả lời câu hỏi của đại biểu

Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cũng cho biết, để tạo sự liên thông, TP cũng điều chỉnh các tuyến xe bus để gom khách tới các tuyến đường sắt đô thị; đầu tư đường hầm, ngoài ra còn có giải pháp trước mắt nhằm tạo sự liên hoàn là phát triển hệ thống xe đạp công cộng. "Sắp tới đây sẽ có thêm xe điện 4 bánh gom khách từ khu dân cư ra các tuyến đường sắt đô thị" - ông Nguyễn Phi Thường cho biết.