Còn nhiều dự án vướng mắc
Ngày 27/2, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP với đại diện doanh nghiệp bất động sản năm 2021.
Hội nghị do Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chủ trì, cùng có sự tham dự của ông Lê Hòa Bình - Phó chủ tịch UBND TP phụ trách đô thị, Hiệp hội Doanh nghiệp Bất động sản TP, cùng các sở ngành liên quan.
Mục tiêu hướng đến của hội nghị là trao đổi để thống nhất hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn, qua đó góp phần để thị trường bất động sản TP phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, tại TP hiện còn nhiều dự án vướng mắc chưa được giải quyết như: dự án ngầm hoá đường điện cao thế 220kV Nhà Bè – Tao Đàn của Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long; dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc (quận Bình Tân) của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành; dự án chung cư Cô Giang (quận 1), dự án 151 – 155 Bến Vân Đồn, dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh của Tập đoàn Novaland…
Dự án Nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc (quận Bình Tân) của công ty Lê Thành, dù đã được triển khai nhưng đến nay vẫn chưa có Quyết định thu hồi đất, giao đất với chế độ sử dụng đất ổn định lâu dài, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… |
Liên quan đến những vướng mắc trong quá trình đầu tư, triển khai, phát triển dự án nhà ở trên địa bàn TP, Chủ tịch HoREA kiến nghị lãnh đạo TP giải quyết nhanh 61 dự án được Sở Xây dựng chuyển sang Sở Kế hoạch và Đầu tư, góp ý để thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư.
“TP ban hành văn bản hướng dẫn xử lý đối với phần diện tích đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư theo hướng không thông qua đấu giá, đấu thầu nhưng phải xác định giá đất cụ thể đối với phần diện tích đất là đất rạch, kênh mương nội đồng, đường, bờ đất…có hình dáng bất định hình hoặc không có "số thửa đất" đăng ký”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Đối với phần diện tích đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập, HoREA kiến nghị UBND TP giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp cùng với các sở ngành liên quan xem xét từng trường hợp dự án cụ thể, đề xuất UBND TP ban hành quyết định thu hồi đất và quy định tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong thời hạn 90 ngày.
Về quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở, HoREA đề xuất việc có thể tích hợp theo phương thức thực hiện song song và một số thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thực hiện; đồng thời, kiến nghị UBND TP xem xét chỉ đạo "ưu tiên" giải quyết cấp "sổ hồng" trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà trong trường hợp chủ đầu tư dự án vi phạm.
“Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án có thể phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung, HoREA đề nghị tách ra xử lý riêng, kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo "ưu tiên" giải quyết cấp "sổ hồng" trước cho khách hàng”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Ngoài ra, HoREA, còn đề xuất UBND TP chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Sớm thành lập "Hội đồng tư vấn về kiến trúc thành phố" để giải quyết kịp thời các hồ sơ đầu tư xây dựng, nhất là các hồ sơ tồn đọng trong thời gian vừa qua.
61 dự án sắp được "cởi trói"
Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu TP và các sở ngành trong thẩm quyền khẩn trương giải quyết vướng mắc tại 61 dự án trước ngày 15/4/2021. “Trước mắt TP sẽ cùng HoREA tháo gỡ những dự án đang gặp vướng mắc cũng như cung cấp thông tin đầy đủ để HoREA thông tin lại cho các thành viên có thể tham gia vào các chương trình nhà ở của TP”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Đồng thời, đối với các kiến nghị của HoREA cũng như các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hoà Bình nhanh chóng sắp xếp lịch làm việc với lãnh đạo các Sở thuộc khối đô thị và lãnh đạo HoREA để ra kết luận giải quyết từng vụ việc, báo cáo thường trực UBND TP.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, trong những năm qua TP phải tiếp nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với 164 dự án. Các sở ngành phải tiếp, giải trình, tham mưu Tổ Công tác liên ngành của TP triển khai dự án. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp bất động sản. Chưa kể vừa qua xảy ra một số vụ án liên quan đến quản lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và việc dừng triển khai dự án BT, khiến một số dự án BT phải dừng triển khai.
Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá, từ năm 2000, bất động sản được xem là 1 trong 9 nhóm ngành dịch vụ của TP. Và, trong 20 năm qua, bất động sản có những thăng trầm nhưng vẫn luôn là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Hiện, TP có khoảng 10.200 doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng; trong đó chiếm 32% số lượng là doanh nghiệp kinh doanh bất động và chiếm 33 – 35% về nguồn vốn. Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lĩnh vực kinh doanh bất động sản không đạt mức tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý, trách nhiệm của TP là tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhưng đồng thời TP cũng mong muốn doanh nghiệp chia sẻ thêm vì trên thực tế nhiều sở ngành của thành phố đã tích cực đưa "đeo bám" các Bộ ngành đề nghị có giải pháp hỗ trợ.
"TP chia sẻ các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn; trong đó, có khó khăn về dòng vốn đầu tư vay ngân hàng, phải sinh lãi hàng ngày. TP cũng trăn trở trước việc quy mô thị trường, nguồn cung bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp giảm doanh thu. Nếu không kịp thời giải quyết khó khăn sẽ tác động đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến kinh tế TP. Vì thế TP xác định, giúp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là giúp cho TP, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng chính là thúc đẩy kinh tế TP", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
9 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản Thứ nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất TP và các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương thực hiện xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dự án nhà ở, để sớm giải quyết cấp “sổ hồng” cho hơn 30.402 căn nhà trong 63 dự án của 17 doanh nghiệp mà Hiệp hội đã báo cáo và hơn 100 dự án nhà ở đang còn tồn ở Sở Tài nguyên Môi trường.Thứ hai, UBND TP xem xét, chỉ đạo giải quyết “ưu tiên” giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, vì là bên ngay tình, vô can, để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà và triệt tiêu các “điểm nóng” tiềm ẩn. Đối với các sai phạm về đầu tư, xây dựng, kinh doanh của chủ đầu tư (nếu có) cần tách riêng để xử lý.Thứ ba, về nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước, thì đề nghị tách ra xử lý riêng, với một số biện pháp bảo đảm, như sau: Các căn hộ và diện tích kinh doanh mà chủ đầu tư giữ lại, chưa cấp sổ hồng và sẽ cấp sau, khi đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hoặc, chủ đầu tư ký quỹ một khoản tiền; Hoặc, chủ đầu tư có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) với Nhà nước.Thứ tư, UBND TP chỉ đạo xây dựng hoàn thiện “Quy trình công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất” của Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Tài chính, nhất là công tác “điều tra khảo sát, thu thập các thông tin về giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu của các dự án có đặc điểm tương tự với dự án dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực định giá hoặc khu vực lân cận gần nhất có khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đương; có tính đến xu hướng và mức độ biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu”.Thứ năm, UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính xem xét, sớm giải quyết các dự án đã “tạm nộp” tiền sử dụng đất. Trường hợp việc chậm nộp tiền sử dụng đất có nguyên nhân chủ quan từ tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế phải nộp số tiền tương đương tiền chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý thuế phù hợp với từng thời kỳ.Thứ sáu, UBND TP xem xét, chỉ đạo không thu thêm tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi… đối với các dự án nhà chung cư đã được “Quyết định về duyệt Phương án xác định giá đất cụ thể” và chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất. Bởi lẽ, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố đã xem xét thẩm định, nên không dẫn đến có phát sinh thêm các khoản thu ngân sách nhà nước.Thứ bảy, UBND TP xem xét chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cấp “sổ hồng” cho toàn bộ diện tích tầng hầm, bao gồm cả phần diện tích tầng hầm nằm ngoài ranh diện tích xây dựng khối đế tòa nhà chung cư, đối với các trường hợp dự án nhà chung cư đã được “Quyết định về duyệt Phương án xác định giá đất cụ thể” và chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.Thứ tám, UBND TP xem xét chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương xem xét, kết luận các trường hợp dự án có điều chỉnh quy hoạch xây dựng, có (hay không có) phát sinh nghĩa vụ tài chính (bổ sung) và phải sớm giải quyết các vướng mắc cụ thể của từng dự án và phải kịp thời trả lời cho các chủ đầu tư, không để tình trạng tiếp tục “treo” các dự án, gây bức xúc cho các chủ đầu tư và người mua nhà.Thứ chín, để giảm tải cho Ban Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (có thời điểm, Ban Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP phải ký hàng trăm “sổ hồng” mỗi ngày), Hiệp hội đề nghị phân cấp cho UBND cấp huyện cấp “sổ hồng” (cấp mới, cấp đổi) cho tổ chức, cá nhân, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai. |