Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ đào tạo 20 ngành nghề mới làm chủ những tiến bộ cuộc cách mạng 4.0

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ năm 2021 – 2025, sẽ thí điểm đào tạo 20 ngành nghề mới cho 4.800 người đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đào tạo lại và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho ít nhất 300.000 lượt người lao động bị tác động cách mạng 4.0.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 Phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Chương trình có mục tiêu xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.
 Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang thực hành nghề Công nghệ ô tô. 
Để thực hiện mục tiêu này, Chương trình đề ra kế hoạch, từ năm 2021 – 2025 sẽ đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao và các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Số lượng người được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.
Cũng trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đào tạo lại và nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 300.000 lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm.
Học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được tham gia các chương trình đào tạo ngành, nghề mới, các chương trình đào tạo bổ sung  kỹ năng mới, kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Người lao động trong các doanh nghiệp sẽ tham gia đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp do chịu tác động của cuộc cách mạng 4.0.
Người lao động trong các doanh nghiệp ở những ngành nghề công nghệ mới hoặc cần nâng cao kiến thức, kỹ năng để tiếp thu, làm chủ và khai thác hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp cũng thuộc đối tượng được đào tạo lại.
 Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang thực hành nghề Cơ điện tử tại xưởng nhà trường. 
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại. Theo đó nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trang kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp theo các lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày và các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo, đào tạo lại.
Nhà nước đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn tham gia đào tạo hoặc đào tạo lại trong Chương trình theo hình thức chính quy hoặc thường xuyên.
Hoạt động tổ chức đào tạo, đào tạo lại tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tại doanh nghiệp hoặc kết hợp cả hai phương thức theo hình thức vừa học vừa làm, thời gian đào tạo phù hợp theo tính chất của kỹ năng và mức độ thiếu hụt kiến thức, kỹ năng. Đồng thời tăng cường việc gắn kết của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp.