Sáng 27/3, Trung tâm Truyền thông Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những chỉ đạo liên quan tới công tác đào tạo, đặc biệt là định hướng xây dựng thế hệ "công dân toàn cầu".
Cụ thể, trước những thách thức từ dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, người đứng đầu ngành đã phải ban hành nhiều văn bản điều chỉnh chương trình đào tạo, trong đó có các mốc thi THPT quốc gia, lùi thời gian kết thúc năm học.
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, bên cạnh việc lùi thời gian, ngành giáo dục đang tập trung rà soát để tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2 của các cấp học, nhất là lớp 9 và 12, với phương châm tinh giản nhưng không "buông lỏng". Từ đó, tổ chức xây dựng các bài giảng điện tử hoặc các bài giảng để ứng dụng trên hạ tầng công nghệ.
Chia sẻ về những nỗ lực của ngành giáo dục triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là việc thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nếu chỉ riêng ngành giáo dục thì dù cố gắng đến mấy cũng sẽ khó thực hiện bởi hạn chế về điều kiện tài chính, hạ tầng... Do vậy, sự đồng hành, hỗ trợ của ngành thông tin và truyền thông là vô cùng quan trọng, thiết thực, đặc biệt ở thời điểm hiện tại.
Để chuẩn bị dài hơi hơn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ đưa môn CNTT vào chương trình học bắt buộc từ lớp 3, cùng với môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để từ đó tạo nên một thế hệ "công dân toàn cầu" có kiến thức kỹ năng về công nghệ, chuyển đổi số và trình độ tiếng Anh để hội nhập tốt với thế giới.