Sẽ gia hạn chính sách hưởng BHXH một lần như cũ đến năm 2020

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi có kết quả xin ý kiến ĐB Quốc hội về chủ trương ban hành Nghị quyết tại Kỳ...

Kinhtedothi - Sau khi có kết quả xin ý kiến ĐB Quốc hội về chủ trương ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc, ngày 16/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Quốc hội đã có Dự thảo Nghị quyết và đang xin ý kiến ĐB.

Tinh thần của Dự thảo là đồng ý để người lao động được nhận BHXH một lần sau một năm đóng, với thời hạn là từ nay tới năm 2020, còn sau đó lại tiếp tục thực hiện theo Điều 60 (Luật BHXH 2014). Dự kiến chiều 22/6, Quốc hội sẽ thông qua và có hiệu lực luôn kể từ ngày ký ban hành.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí chiều 15-6 về điều 60 Luật BHXH
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí chiều 15-6 về điều 60 Luật BHXH
Như vậy, tinh thần Quốc hội sẽ thông qua là vẫn thực hiện theo Điều 55 của Luật BHXH cũ, thưa ông?

- Đúng như vậy. Vì Điều 60 vẫn đúng và phù hợp thông lệ quốc tế. Nếu có yêu cầu thì vẫn cho phép áp dụng Điều 55 của Luật cũ. Đây là giải quyết trước mắt, còn mong muốn của ta tiến tới Điều 60 là đảm bảo về lâu dài cho người lao động.

Cử tri có băn khoăn về cách làm luật của Quốc hội khi một điều luật chưa có hiệu lực đã bị phản ứng. Quốc hội có rút kinh nghiệm gì không, thưa ông?

- Theo tôi, trong quá trình tiến hành sửa đổi Luật BHXH năm 2006, Điều 60 hầu như không thấy có ý kiến nhiều. Trong quá trình làm có ý kiến bên Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị giữ nguyên điều này, nhưng Chính phủ chuyển sang Quốc hội đề nghị sửa. Qua theo dõi, ĐB Quốc hội cũng không có nhiều ý kiến, bởi nếu có tranh luận nhiều thì sẽ có 1 - 2 phương án ngay. Qua nghiên cứu tất cả các nước trên thế giới đều như thế. Rất nhiều người lao động cũng đồng thuận với điều này

 Vậy, các cơ quan của Quốc hội có đến cơ sở để giám sát, thông tin tuyên truyền tới người lao động về Điều 60?

- Tất nhiên là có. Theo tôi, trách nhiệm của Chính phủ là chính, các cơ quan thông tin đại chúng cũng góp phần cùng Chính phủ để giải thích cặn kẽ cho người lao động hiểu ý nghĩa, tác dụng của Điều 60, hiểu Nghị quyết của Quốc hội. Và khi có nghị định hướng dẫn người dân hiểu đầy đủ rồi thì chắc sẽ có sự đồng thuận rất cao.

Xin cảm ơn ông!