Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ giải quyết căn bản xe quá tải và vấn đề tiền lương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn trong ngày 19/11, hai Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cam kết sẽ sớm giải quyết căn bản xe quá tải và vấn đề tiền lương

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn trong ngày 19/11, hai Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cam kết sẽ sớm giải quyết căn bản xe quá tải và vấn đề tiền lương
 
Sẽ giải quyết căn bản xe quá tải và vấn đề tiền lương - Ảnh 1
Đã hứa với người dân thì phải làm

Sáng 19/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tiếp tục trả lời các câu hỏi ĐB đặt ra quanh lĩnh vực vận tải. Trước câu hỏi của ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (đoàn Hưng Yên) là tương lai sẽ tập trung loại vận tải nào. Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, cơ cấu vận tải hiện nay chưa hợp lý vì đường bộ chiếm trên 61% hàng hóa, 95% khách. Tới đây, sẽ tăng thị phần đường sắt, đường thủy nội địa, giảm đường bộ, kết nối các loại vận hành với nhau. Bộ trưởng cũng khẳng định, khi thực hiện chặt chẽ kiểm soát trọng tải, chắc chắn cước phí đường bộ rất cao, hàng hóa từ đường bộ buộc phải chuyển xuống đường thủy nội địa, hàng hải. Như vậy là cũng góp phần giảm vận tải đường bộ. "Bộ GTVT cố gắng đến năm 2015 việc kiểm soát tải trọng xe sẽ được giải quyết căn bản", Bộ trưởng nhận định và  cho biết thêm: Ngoài việc phân bổ tỷ trọng hợp lý giữa các phương thức vận tải, Bộ sẽ tăng cường phát triển việc kết nối vận tải đa phương thức giữa 5 loại hình vận tải với nhau. Tương lai hành khách sẽ chỉ cần dùng một tấm vé nhưng có thể được phục vụ tốt bởi tất cả các loại hình vận tải khác nhau.

Với câu hỏi của ĐB Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) về con số 39.000 tỷ đồng Bộ GTVT tiết kiệm được có thực sự là con số tích cực, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công, đã rà soát 44 dự án, đã tiết giảm trên 39.000 tỷ đồng, tiết giảm chứ không phải tiết kiệm nhưng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật nên không lo ảnh hưởng đến chất lượng công trình…

Cũng tại phiên chất vấn này, nhiều ĐB Quốc hội quan tâm đến chất lượng công trình đầu tư, chất lượng dự án với giá đầu tư, suất đầu tư, chất lượng công trình. Để làm tốt việc này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ GTVT cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngay từ khâu quy hoạch, dự án, thiết kế để đảm bảo gắn với hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, yêu cầu ngành GTVT cũng phải xem xét đánh giá hiệu quả kinh doanh vận tải, kinh doanh hàng không, đường bộ - đường sắt để xây dựng được cơ cấu hợp lý kinh tế vận tải… "Những cam kết trước Quốc hội, có những việc nhỏ thôi nhưng đã hứa với người dân thì phải thực hiện như là cầu treo, đường nông thôn. Tất cả những lời hứa đó cần phải thực hiện cho được, nếu không thực hiện được thì phải báo cáo lại với Quốc hội và tất cả cử tri cả nước. Cuối năm sau, Bộ GTVT sẽ có báo cáo thực hiện tiến độ" - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

 
Sẽ giải quyết căn bản xe quá tải và vấn đề tiền lương - Ảnh 2
Nóng tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội

Tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, cử nhân thất nghiệp, lợi dụng "kẽ hở" trong chính sách người có công là những vấn đề làm "nóng" phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền ngày 19/11.

Tiền lương là vấn đề được nhiều ĐB đặt câu hỏi với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền. ĐB Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) nhận xét: "Quyết định tăng lương vừa qua là cố gắng lớn của Chính phủ, nhưng sau 2 lần trì hoãn lộ trình tăng lương, khoản tiền 11.000 tỷ đồng lần này như làn gió, nhưng chưa đủ làm "mát" cuộc sống của người lao động có thu nhập thấp" và hỏi Bộ trưởng về giải pháp cải thiện tình hình?". Nhiều ĐB cũng đưa ra những bất cập trong vấn đề xây dựng thang bảng lương trong DN và lỗi là do chưa có hướng dẫn.

Trả lời khá thẳng thắn, Bộ trưởng cho biết, Bộ Luật Lao động đã có hiệu lực từ tháng 1/2013, đã được thực hiện tất cả các điều, trong đó có tiền lương. Tuy nhiên, đúng là vẫn còn thiếu một nội dung hướng dẫn về xây dựng thang bảng lương cho DN; do khi áp dụng chính sách lương mới theo quy định của Luật thì còn một khoản "thu nhập khác" phải xác định rõ là gồm những gì để đưa vào tính thu nhập đóng BHXH. "Trong tháng 12, Bộ sẽ bổ sung hướng dẫn này" - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cam kết.

Bộ trưởng cũng công nhận, tiền lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng 60% mức sống tối thiểu cho người lao động và lần này có tăng cũng chưa giải quyết được cơ bản. "Nhưng điều kiện của nền kinh tế và khả năng của ngân sách chỉ có vậy, chúng ta buộc phải giãn lộ trình" - Bộ trưởng phân trần và nhận xét: Khi đã quyết định lương tối thiểu của DN khu vực I là 3,1 triệu đồng vào 1/1/2015, trong khi lương của cán bộ công chức, viên chức vẫn chỉ có 1 triệu 150.000 đồng, vì vậy dù rất khó khăn nhưng qua thảo luận về ngân sách, Quốc hội đã quyết định dành khoản 11.000 tỷ đồng để giải quyết một phần tiền lương cho những cán bộ công chức có mức lương thấp và đối tượng người có công, người nghỉ hưu. Đây là quyết định nhân văn, nhưng thực chất mới chỉ là một giải pháp chứ chưa giải quyết được căn cơ vấn đề tiền lương.

Nợ đọng BHXH không phải là vấn đề mới, nhưng vẫn là sự băn khoăn của không ít ĐB. Các ĐB đặt câu hỏi khi Luật BHXH được thông qua tại kỳ họp này thì đến năm nào, tình trạng nợ BHXH mới chấm dứt và con số nợ BHXH theo báo cáo của Bộ là 7.000 tỷ đồng hay 12.000 tỷ đồng?

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH phân tích: "Nợ BHXH theo số liệu của Bộ là 7.000 tỷ đồng; con số 12.000 tỷ đồng mà ĐB nhắc đến bao gồm cả nợ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Để xảy ra nợ đọng có nhiều nguyên nhân, Bộ trưởng cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến chủ sử dụng lao động chây ì không đóng và nợ BHXH của người lao động. Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm của ngành đối với công tác kiểm tra giám sát phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, do toàn ngành có trên 400 cán bộ, nhân viên làm công tác thanh tra ở rất nhiều lĩnh vực, nên số cuộc cần kiểm tra trong lĩnh vực này còn rất ít. Ở địa phương cũng cũng vậy nhưng so với số DN cần phải được kiểm tra về trách nhiệm đóng BHXH cũng còn rất hạn chế. Theo Bộ trưởng, đây là lý do Bộ đồng ý với đề xuất giao cơ quan BHXH thanh tra về thu bảo hiểm; còn thanh tra Nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm và thực hiện chính sách bảo hiểm là Bộ trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này. Bộ cũng đã đề xuất một số giải pháp xử lý mạnh hơn, chuyển cho cơ quan điều tra xử lý với DN cố tình chây ì. Đồng thời cam kết năm 2015 sẽ giảm tối đa con số nợ BHXH.

Về con số 174.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa tìm được việc làm cũng được nhiều ĐB đặt ra và yêu cầu Bộ trưởng phải có giải pháp cụ thể. Bộ trưởng nhận xét "nói thất nghiệp cũng chưa hẳn, chỉ là không làm đúng ngành nghề đào tạo" và cho biết, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đã được cập nhật qua từng thời kỳ. Tuy nhiên, trong những năm này, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, vài trăm ngàn DN phá sản, giải thể. Nếu không có tình trạng này, họ nhất định sẽ có việc làm. Bộ cũng sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm để họ được làm đúng ngành nghề.

Nhận xét tình trạng thất nghiệp đang khá nghiêm trọng, cùng với nhiều yếu tố khác khiến năng suất lao động thấp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý Bộ LĐTB&XH nên chú ý rà soát lại việc đào tạo gắn với việc làm, có dự báo thông tin đào tạo để tránh việc phải đào tạo lại.

 
ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội): Chưa rõ vấn đề đại biểu nêu

Tôi thấy Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trả lời tương đối rõ vấn đề ĐB nêu ra, cụ thể cả về thời gian, tiến độ hứa thực hiện. Tuy nhiên, với lĩnh vực LĐTB&XH, còn nhiều vấn đề bất cập, nổi cộm như đào tạo nghề, bố trí việc làm, tiền lương... song Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời còn chung chung. Bộ trưởng mới nêu được tình hình chung, khó khăn, thách thức như báo cáo mà chưa đi vào nguyên nhân, giải pháp cụ thể.

ĐB Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai): Có những điểm trả lời chưa hợp lý

Tôi nghĩ Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn của ĐB là trên cương vị Bộ trưởng, nhưng có những điểm chưa hợp lý, chưa rõ trách nhiệm. Cụ thể, chức năng cơ quan thanh tra quản lý của Bộ là xử phạt các đơn vị nợ đóng BHXH, nhưng Bộ lại đặt vấn đề là tổ chức công đoàn cũng phải tham gia nhắc nhở việc DN đóng BHXH. Tôi nghĩ rằng, tất cả người lao động trong các DN khi lĩnh lương thì đã đóng xong BHXH rồi, còn việc chủ DN có đóng cho cơ quan BHXH hay không là trách nhiệm của chủ DN và cơ quan BHXH. Nếu không được thông báo, Công đoàn không thể biết là chủ DN đóng hay chưa. Rõ ràng là thanh tra Bộ LĐTB&XH chưa làm hết trách nhiệm.
Thiên Tú ghi