Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ không giảm nhiều giá cước di động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều ý kiến cho rằng thị trường viễn thông đã ở ngưỡng gần như bão hòa, giá cũng được coi là thấp nhất nhì khu vực, nếu tiếp tục giảm, các nhà khai thác, cả đại gia lẫn tiểu gia, đều gặp khó khăn.

KTĐT - Nhiều ý kiến cho rằng thị trường viễn thông đã ở ngưỡng gần như bão hòa, giá cũng được coi là thấp nhất nhì khu vực, nếu tiếp tục giảm, các nhà khai thác, cả đại gia lẫn tiểu gia, đều gặp khó khăn.

Giá cước di động được dự báo sẽ không còn giảm mạnh trong thời gian tới. Cuộc đua hạ giá cước thời gian qua đã khiến doanh nghiệp mệt mỏi đến độ khó có thể giảm thêm.

Đề xuất áp dụng khung giá sàn đối với cước di động ở mức 800 đồng mỗi phút trong 2 năm 2010-2011 của Viettel hồi tuần trước tưởng chừng vô lý đã được giới chuyên gia nhìn nhận ngược lại trong bối cảnh hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường viễn thông đã ở ngưỡng gần như bão hòa, giá cũng được coi là thấp nhất nhì khu vực, nếu tiếp tục giảm, các nhà khai thác, cả đại gia lẫn tiểu gia, đều gặp khó khăn.

Cái lý của Viettel khi đưa ra đề xuất "trói" giá sàn là để bảo toàn sức lực của doanh nghiệp lớn, đồng thời hạn chế tình trạng bán phá giá dịch vụ. Nếu cứ để doanh nghiệp nhỏ "làm giá", gây nhiễu thị trường, không sớm thì muộn những ông lớn như Viettel và VNPT cũng sẽ bị yếu dần đi theo kiểu "cá rô rỉa". Và một khi những "quả đấm thép" của nền kinh tế bị giảm sức mạnh thì khả năng "đem chuông đi đánh xứ người" sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trên thực tế, hồi giữa năm ngoái, khi thị trường di động bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, nhà khai thác di động S-Fone cũng có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông than thở chuyện hãng bị các ông lớn ép giá. S-Fone cho rằng các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế ồ ạt giảm cước thời gian qua mang sắc thái về cuộc chạy đua về giá.

Theo S-Fone, cước di động cần được xem xét kết hợp với chất lượng dịch vụ, mới có thể xác định đầy đủ và chính xác quyền lợi mà người tiêu dùng nhận được. Do vậy, để thực sự mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng, việc điều chỉnh giảm giá cước rất cần song hành với đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Bản thân các doanh nghiệp mới như Beeline và Vietnamobile cũng trong tình trạng "bấm bụng" để giảm giá. Với các doanh nghiệp mới, thu hút thuê bao trở thành yếu tố sống còn vì đã bỏ khá nhiều tiền để đầu tư cho mạng lưới, nếu không có khách hàng chẳng khác nào xây một căn nhà lớn mà không có người ở. "Lỗ chúng tôi cũng vẫn phải giảm vì không có khách hàng là chúng tôi thất bại", đại diện một hãng viễn thông nói.

Một chuyên gia ví von: "Thị trường viễn thông giống như một cánh đồng cỏ, mà các doanh nghiệp là đàn bò. Đàn bò tung tăng gặm cỏ, gặm mãi mà không lo chăm sóc cho cỏ mọc, khi cỏ hết thì bò lăn đùng ra chết", một chuyên gia viễn thông nói.

Vị chuyên gia này khẳng định cạnh tranh về giá là thất sách. Có thể trước mắt, người tiêu dùng sẽ thắng trong cuộc chạy đua này. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp chiếm được thị phần lớn nhất sẽ quay trở lại siết chặt cước phí, tự định giá cho thị trường. Khi ấy, "vận mạng" của khách hàng nằm trong tay các doanh nghiệp lớn.

Tại lễ nhận cờ thi đua của Chính phủ của VinaPhone, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Lê Doãn Hợp cũng cho rằng giá cước di động tại Việt Nam đã được xếp vào hàng thấp nhất thế giới. Do vậy, các đề xuất giảm giá cước cần phải xem xét thận trọng.

Ông cho hay trong 2 năm qua thị trường viễn thông VN đã có các bước tiến vượt bậc. Bất chấp khủng hoảng, lạm phát, doanh thu vẫn tăng và thị trường vẫn phát triển với sự nhập cuộc của nhiều nhà khai thác dịch vụ. Một điểm đáng ghi nhận là trong khi các ngành, lĩnh vực, dịch vụ thi nhau tăng giá thì cước di động lại liên tục giảm. "Chưa có ngành nào trong khó khăn vẫn hạ giá. Điều này cần phải được ghi nhận là doanh nghiệp đang cố gắng đem lại giá trị cho xã hội và lợi ích người tiêu dùng", Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định.

Trước đó, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng cho biết đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu đề xuất giá áp giá sàn của Viettel trên quan điểm là là “để đề phòng một số doanh nghiệp giảm giá dưới giá thành để thôn tính thị trường, sau đó tăng giá trở lại”.