Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ không xảy ra động đất kích thích

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 28/11, tại Bộ TN&MT đã diễn ra cuộc họp hội đồng kỹ thuật thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Trao đổi với báo giới bên lề cuộc họp, các chuyên gia cho biết, câu chuyện về tính pháp lý và tác động môi trường của Dự án đã được đưa ra mổ xẻ. Sau khi nghe chủ đầu tư giải trình về Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, các thành viên hội đồng thống nhất, dự án phải tuân thủ theo các văn bản pháp lý hiện hành. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa phân tích dự án này có phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành hay không. 

Sẽ không xảy ra động đất kích thích - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia ngành lâm nghiệp cho rằng, đây là báo cáo ĐTM tốt nhất từ trước đến nay, tuy nhiên còn những nghi vấn. "Tại sao đường dây tải điện lại không nằm trong dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nó ảnh hưởng đến rừng như thế nào? Hệ thống điều hành của dòng sông có 13 nhà máy thủy điện, Chính phủ đã có chỉ thị về vận hành liên hồ chứa. Nếu phía trên xả mà ở giữa không xả, sẽ bị vỡ đập ngay, tính chất cắt lũ không còn; vì vậy, phải có một hệ thống liên hồ chứa. Thủy điện 6 và 6A hiện không nằm trong danh sách vận hành liên hồ chứa, vậy chủ đầu tư xử lý vấn đề này như thế nào?" - GS Lung băn khoăn. Ông cũng khẳng định, dự án chỉ lấy 137ha đất rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên, trong khi vườn quốc gia rộng 70.000ha, nên không thể nói là phá rừng.

Vấn đề động đất cũng được bàn đến trong cuộc họp khi Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được mang ra so sánh với thủy điện Sông Tranh 2. Theo các chuyên gia, vấn đề kích thích để dẫn đến động đất phải có những điều kiện như lượng nước lớn đến mức nào, độ cao của lượng nước ấy tác động đến địa chất như thế nào. Những vấn đề này không có trong Dự án thủy điện 6 và 6A. Dự án này không làm hồ lớn, vì vậy không có lượng nước cao so với mặt đất, điều kiện để xảy ra động đất kích thích là rất thấp.

* Cùng ngày, tại Hà Nội, Trung tâm Quan trắc Môi trường (Tổng cục Môi trường) đã tổ chức hội thảo góp ý cho chương trình tổng thể quan trắc tác động đến môi trường của hoạt động thủy điện tại khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2013 - 2017. 

TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, chương trình tổng thể quan trắc nhằm có được chương trình quan trắc tổng thể để đảm bảo tính khoa học và khả thi phục vụ theo dõi ĐTM hoạt động thủy điện tại khu vực Tây Nguyên. Cụ thể là các chương trình thủy điện có quy mô và công suất lớn: Buôn Kuốp (Đắk Lắk), Ialy và Sêsan 4 (Gia Lai).