70 năm giải phóng Thủ đô

Sẽ sớm công bố kết quả thanh tra dự án BT, BOT

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/10, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo quý III, công bố thông tin liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng chống tham nhũng (PCTN) và triển khai nhiệm vụ quý IV.

UBND TP Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm

Trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập cá nhân mà Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ thực hiện, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, trước đây Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ thực hiện, sau đó lại giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp nhận để nghiên cứu xây dựng đề án.
 Buổi Họp báo sáng 29/10
Buổi họp báo sáng 29/10
Trên thực tế, đây được coi là vấn đề cấp bách không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới. Nhưng vì rất nhạy cảm bởi đối tượng liên quan tới đề án chủ yếu là người có chức vụ, chức quyền nên việc hoàn thiện đề án phải rất tỉ mỉ và kỹ càng. “Chủ trương của Chính phủ là từng bước ngăn chặn rồi mới tính đến đẩy lùi tham nhũng theo kế hoạch PCTN mà Chính phủ đã phê duyệt lộ trình thực hiện đến năm 2020. Do tham nhũng là một dạng tội phạm ẩn, khó phát hiện cũng như khó xử lý đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Tháng 4/2016 sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, qua đó sẽ có những nhận định cụ thể hơn về tính hiệu quả của công tác PCTN trong thời gian qua và dự báo cho thời gian tới. Đây cũng là yếu tố quan trọng để nhận định việc xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập cá nhân sẽ được Thanh tra Chính phủ hoàn thiện trình Chính phủ sớm hay muộn” - ông Hùng nói.

Liên quan đến một số dự án (DA) được đầu tư xây dựng theo hình thức BT và BOT, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thực hiện thanh tra 17 DA. Hiện đang thanh tra các DA do Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Quá trình thanh tra còn có sự tham gia của Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Đến nay, công tác thanh tra vẫn đang trong giai đoạn thực hiện, chưa kết thúc, do vậy chưa thể cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí được. Còn về việc Thanh tra Chính phủ chưa công bố kết luận thanh tra tập đoàn xăng, dầu. Với nội dung này, ông Khánh cho rằng: Do thời gian qua, Thanh tra Chính phủ bận để chuẩn bị những ngày lễ lớn của ngành, bên cạnh đó kết quả thanh tra còn chờ sự thống nhất nội dung với các bộ, ngành, đặc biệt là chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Tập đoàn xăng, dầu chấn chỉnh công tác điều hành, quản lý, khắc phục, rút kinh nghiệm những bất cập trước đây. Qua đó, Tập đoàn xăng, dầu đã nghiêm túc thực hiện.

Còn đối với nội dung công trình xây dựng nhà 8B Lê Trực, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định: “Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, UBND TP Hà Nội đã thể hiện rõ thái độ kiên quyết xử lý vi phạm đến cùng. Qua đó thể hiện bằng việc, UBND TP Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra, thanh tra toàn bộ quá trình xây dựng công trình, đồng thời ban hành một số văn bản pháp lý, như ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ phần diện tích vi phạm. Do UBND TP Hà Nội đã, đang quyết liệt chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm nên Thanh tra Chính phủ chỉ làm nhiệm vụ theo dõi và đôn đốc thực hiện”.

Phát hiện vi phạm 5.437 tỷ đồng

Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Tổng hợp Lê Hồng Lĩnh (Thanh tra Chính phủ) cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2015 toàn ngành thanh tra đã triển khai 2.347 cuộc thanh tra hành chính và 51.378 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 5.437 tỷ đồng, 4.363ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 4.741 tỷ đồng và 515ha đất; xuất toán khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 696 tỷ đồng, 3.848ha đất; đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 474 tập thể; ban hành 43.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 1.247 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 16 vụ, 10 đối tượng.

Cũng trong thời gian qua, toàn ngành thanh tra đã đôn thực hiện 606 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 1.056/1.663 tỷ đồng; xử lý 161 tập thể, 280 cá nhân có vi phạm. Qua công tác thanh tra, tiếp công dân nhận thấy, tình hình KNTC có xu hướng diễn biến phức tạp, các cơ quan hành chính Nhà nước đã xử lý 60.885 đơn, thư các loại; có 17.447 đơn KNTC.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã xử lý 4.425 đơn trong tổng số 5.007 đơn các loại đã tiếp nhận, tăng 3% so với quý II/2015. Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, xác minh các vụ KNTC do Thủ tướng Chính phủ giao. Qua đó, đã kết luận và báo cáo 20 vụ việc. Thông qua công tác giải quyết KNTC, thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước  và trả lại cho công dân 18,6 tỷ đồng, 86,4ha đất; trả lại quyền lợi cho 1.033 người, kiến nghị xử lý hành chính 132 người.

Về công tác PCTN, trong quý III, ngành thanh tra đã phát hiện 4 vụ với 4 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 297 triệu đồng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan Nhà nước đã phát hiện 3 vụ  với 3 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Cũng trong thời gian qua, cơ quan điều tra đã thụ lý 174 vụ, 442 bị can phạm tội về tham nhũng, đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 50 vụ, 168 bị can, hiện đang điều tra 116 vụ, 251 bị can.