Còn nhiều rủi ro
Tại Việt Nam trong những năm qua, lợi ích kinh tế mà DNNVV mang lại luôn chiếm tỷ trọng khoảng 40% GDP cả nước và tạo công ăn việc làm cho khoảng 78% lao động. Tuy nhiên, thực tế, có tới gần một nửa DNNVV thất bại trong 5 năm đầu thâm nhập thị trường. Theo số liệu của VCCI, tính đến cuối tháng 9/2012, cả nước có khoảng 51.000 DN được thành lập mới nhưng cùng với đó, khoảng 42.000 DN bị giải thể.
Cần hỗ trợ miễn, giảm thuế để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đứng vững trong khó khăn. Ảnh: Linh Anh
Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là khả năng tiếp cận thông tin thị trường của hầu hết các DNNVV chưa tốt. Bên cạnh đó, hàng tồn kho vẫn ở mức cao, chỉ số mua sắm (PMI) không được cải thiện, cùng với việc dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại năm 2012 không tăng, đang là thách thức lớn đối với không chỉ các DNNVV mà còn là vấn đề nan giải của nhiều DN lớn.
Gỡ khó cho các DN nhỏ và vừa
Bà Phạm Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV (VCCI) chia sẻ, trong tình hình kinh tế biến động phức tạp hiện nay, các DN nên rà soát lại toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối; đồng thời cần tham gia chặt chẽ vào hệ thống các cụm, khu công nghiệp liên kết theo chuỗi ngành, sản phẩm, qua đó từng bước cải thiện năng lực tiếp cận thị trường. Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia chính sách kinh tế của VCCI và ACCA cho rằng, để hỗ trợ phát triển DNNVV cần một chương trình phối hợp tích cực giữa các cơ quan Chính phủ.
Xung quanh vấn đề đổi mới công nghệ, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), chia sẻ: Tổng đầu tư phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,7% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc (1,7%)) và Hàn Quốc (3,4%). Không những vậy, tỷ lệ vốn đầu tư cho khoa học công nghệ của các DN chiếm tỷ lệ chưa tới 30%. Để có thể cạnh tranh được với các nền kinh tế khác, các DN Việt Nam cần chú ý đến khâu đổi mới sản phẩm, cải tiến công nghệ nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, khai thác tốt thị trường nội địa và xâm nhập vào các thị trường ngách.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho biết, mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2015, sẽ có khoảng 600.000 DNNVV, đóng góp 40% GDP cả nước và tạo việc làm mới cho 3,5 - 4 triệu lao động. Để hoàn thành được mục tiêu này, Bộ đã và sẽ phối hợp với các ban ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ cho các DNNVV, trong đó trước mắt sẽ tập trung vào ba nhóm giải pháp trọng tâm là: Thành lập Quỹ Phát triển DNNVV nhằm hỗ trợ tài chính cho các DN; đẩy mạnh triển khai chương trình đổi mới, phát triển và ứng dụng công nghệ trong việc tạo ra các sản phẩm mới; thí điểm xây dựng mô hình vườn ươm nhằm hỗ trợ toàn diện cho các DNNVV trong một số lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.