Sẽ xử lý nghiêm các nội dung xâm hại đến lợi ích quốc gia và pháp luật Việt Nam

HàThanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là lời khẳng định được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT) gửi đến đại diện các doanh nghiệp Mỹ về quan điểm của Việt Nam đối với dịch vụ xuyên biên giới.

Doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam
Mới đây, Bộ TT&TT đã có buổi đối thoại trực tuyến với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), Hiệp hội Công nghiệp Video châu Á (AVIA) và các doanh nghiệp thành viên như Netflix, Amazon, Apple, Facebook... về các dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2006/NĐ-CP; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Khẳng định tại cuộc đối thoại, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lưu Đình Phúc cho rằng: Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không cấm dịch vụ xuyên biên giới, nhưng nếu nội dung cung cấp trên dịch vụ này xâm hại đến lợi ích Quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam thì sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hình ảnh "đường lưỡi bò" trong một bộ phim được Netflix phát hành.
Theo Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Nguyễn Hà Yên, Việt Nam cương quyết yêu cầu các nội dung cung cấp trên dịch vụ xuyên biên giới phải lành mạnh, phù hợp với văn hóa, truyền thống của người Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp một lượng lớn các nội dung từ nước ngoài vào Việt Nam, mà chủ yếu nội dung này là từ Mỹ, cũng giống với nội dung các doanh nghiệp Mỹ đang cung cấp vào Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước đang tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, đảm bảo quy định về biên tập, nộp thuế, phí đầy đủ thì doanh nghiệp nước ngoài, vẫn nội dung đó, lại không chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam, không thực hiện biên tập, không nộp thuế, phí theo quy định.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP sẽ hướng tới các doanh nghiệp khi tham gia tại thị trường Việt Nam được đối xử công bằng, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài được bình đẳng về pháp lý, Phó Cục trưởng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hà Yên, cơ quan soạn thảo phía Việt Nam đã học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á trong việc quản lý dịch vụ xuyên biên giới; nghiên cứu mô hình cấp phép theo hướng hiện đại như Singapore.Việt Nam là nước tự do báo chí, tự do ngôn luận, không kiểm duyệt nội dung…
Tuy nhiên, do đặc điểm truyền thống văn hóa, lịch sử của Việt Nam nên tất cả nội dung khi cung cấp cần phải được biên tập nhằm đảm bảo đưa thông tin lành mạnh, phù hợp thuần phong, mỹ tục đến người xem tại Việt Nam. Đối với nội dung liên quan đến tin tức, an ninh, chính trị thuộc lĩnh vực báo chí thì phải được cơ quan báo chí biên tập; nội dung liên quan đến phim thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Điện ảnh, còn các thông tin giải trí khác thì doanh nghiệp căn cứ vào pháp luật hiện hành tiến hành biên tập.
Việc biên tập nội dung là khả thi và không khó đối với các doanh nghiệp Mỹ. Việt Nam đã có những quy định về điều này, tới đây, theo thẩm quyền, Bộ TT&TT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng có thể dễ dàng thực hiện biên tập.
Thời gian qua, các dịch vụ xuyên biên giới, cụ thể dịch vụ của Netflix vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Có nhiều nội dung vi phạm, như: Xuyên tạc chủ quyền, xuyên tạc lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Việt Nam,khiêu dâm, bạo lực... Liên quan đến vấn đề này, Cục PTTH&TTĐT đã hai lần gửi văn bản đến Netflix để cảnh báo, nhắc nhở, Phó Cục trưởng chia sẻ thêm.
Cần đối xử công bằng với doanh nghiệp trong và ngoài nước
Nói về việc thắt chặt quản lý đối với các dịch vụ xuyên biên giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam Lê Đình Cường cho rằng: Việc quản lý nội dung, cấp phép theo các Nghị định sửa đổi lần này là mềm dẻo, phù hợp với các quốc gia. Dự thảo Nghị định lần này đã đi đến nội dung tiệm cận được với đề nghị của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình của Mỹ. Đồng thời phía doanh nghiệp Mỹ cũng nên tiếp nhận hài hòa để phù hợp với lợi ích của tất cả các bên. Nhà nước cần quản lý về nội dung, doanh nghiệp cũng cần cung cấp nội dung phong phú, phù hợp với luật pháp của nước sở tại”.
Có cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam Nguyễn Văn Nhiêm cho biết, các doanh nghiệp trong ngành luôn hoan nghênh sự đầu tư vào Việt Nam của các đơn vị nước ngoài, nhưng với mong muốn xây dựng, đóng góp không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, đạo đức đối với Việt Nam; phải đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, các đối tượng nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam như những doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh đối với lĩnh vực truyền hình trả tiền.
Về phía doanh nghiệp Mỹ, đại diện Netflix - Alex Long nhấn mạnh quan điểm đã trao đổi với Cục PTTH&TTĐT và Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ đăng ký và nộp thuế tại Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Netflix đã thể hiện sự gắn bó, cam kết cung cấp dịch vụ tại Việt Nam qua 2 thông điệp, đó là: Bổ sung các nội dung phim truyện Việt Nam chất lượng cao trên kho nội dung dịch vụ và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu chuyên nghiệp, có các tính năng quản lý nội dung dành cho phụ huynh, trao quyền kiểm soát quản lý và xem các nội dung tới người sử dụng.
Trước câu hỏi được phía cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đặt ra “Nếu là dịch vụ phim phải được cấp phép theo Luật Điện ảnh hiện hành, nhưng Luật Điện ảnh đang có điều chỉnh, sửa đổi và chưa ban hành, vậy có phù hợp không”. Phía cơ quan quản lý Việt Nam cũng đưa ra câu trả lời rõ ràng.
Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Nguyễn Hà Yên giải thích: “Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là quản lý về nội dung, tất cả các biện pháp quản lý là chỉ phục vụ cho việc quản lý nội dung được tốt hơn. Ngay cả trong luật Điện ảnh hiện hành, tại Điều 36 nói về phổ biến phim trên Internet, khai thác phim để phổ biến thì phải thực hiện theo quy định của Luật Điện ảnh và các quy định khác của Pháp luật Việt Nam. Nghĩa là tất cả các loại phim được trình chiếu đến công chúng dưới bất kỳ hình thức nào đều thực hiện theo Luật Điện ảnh, nếu có luật chuyên ngành thì phải tuân thủ thêm theo luật chuyên ngành, như vậy để đảm bảo tuân thủ đầy đủ về mặt pháp luật Việt Nam”.