“Sếp” Hòa Phát: Vấn đề môi trường ở Dự án Thép Dung Quất là số 1

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát cho hay, với kinh nghiệm, công nghệ và trách nhiệm của một Tập đoàn lớn về thép, Hòa Phát cam kết đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu, trên cả hiệu quả kinh tế tại Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi.

Không giấu giếm về Dự án Dung Quất

“Trấn an” cổ đông về vấn đề môi trường nhà máy thép sắp triển khai tại Quảng Ngãi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho rằng, Hòa Phát có công nghệ tốt và kinh nghiệm nhiều năm làm thép nên cổ đông có thể yên tâm. “Formosa là một tập đoàn lớn, vốn hóa trên 60 tỷ đô. Tuy nhiên, họ không phải là tập đoàn lớn về thép mà về nhựa và các sản phẩm hóa dầu. Và công nghệ của Formosa là công nghệ sản xuất than cốc thu hồi hóa chất. Còn Hòa Phát, công nghệ sản xuất than cốc thu hồi nhiệt. Giữa một vùng sông nước, dân cư sầm uất, chúng tôi đặt ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường lên hàng đầu, sau đó mới tính đến hiệu quả kinh tế”- ông Long nói.

Dự án Dung Quất có nhiều lợi thế, nằm trong quy hoạch chung của cả khu kinh tế, có cảng biển nước sâu, thuận lợi cho vận chuyển nguyên vật liệu, thành phẩm vào Nam, ra Bắc. Sau khi hoàn thành, khách tham quan tới Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất sẽ chỉ nhìn thấy nguyên liệu quặng từ tàu được vận chuyển trên băng tải vào công đoạn sản xuất đầu tiên, sau đó nhìn thấy đầu ra là thép thành phẩm sản xuất theo công nghệ lò cao hiện đại. Chu trình khép kín này giúp Hòa Phát giảm thiểu tối đa chi phí và hoàn toàn không xả thải ra môi trường. Ông Long khẳng định với cổ đông Hòa Phát, vấn đề môi trường là số 1, tập đoàn dành 20-30% chi phí dự án để đảm bảo môi trường, trước tiên vì lợi ích của chính doanh nghiệp, của cộng đồng dân cư xung quanh và xã hội nói chung.
 Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long phát biểu tại Đại hội Cổ đông.
Người đứng đầu Hòa Phát nói thêm, khi Hòa Phát đặt vấn đề, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã rất cẩn thận. Họ tự đi gặp lãnh đạo Hải Dương- tỉnh Hòa Phát có Nhà máy Thép- để tham khảo ý kiến. Sau khi nhận được câu trả lời của lãnh đạo Hải Dương là “chấp nhận được”, Quảng Ngãi mới cân nhắc việc lựa chọn nhà đầu tư.

Tại Đại hội Cổ đông Hòa Phát, nhiều ý kiến cổ đông tỏ ra không hài lòng khi việc công bố và triển khai Dự án Thép Dung Quất sát ngày và gấp gáp. Về vấn đề này, ông Long cho biết: “Dự án Thép Dung Quất không phải là Dự án mới mà là một Dự án cũ đã được phê duyệt trước đây. Hòa Phát ngắm nghía, và quan tâm đến dự án đó nhưng phụ thuộc vào khách quan vào chủ dự án. Tháng 9/2016, họ mới chính thức rút lui khỏi Dự án. Vì thế, Hòa Phát mới có cơ hội, chứ không phải chúng tôi giấu giếm cổ đông”- ông Long nói.

Vì sao thất hứa “cổ tức” tiền mặt?

Trả lời về việc vì sao không chia cổ tức tiền mặt, ông Long cho biết dự án Dung Quất nằm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn. “Hòa Phát vẫn phải tiếp tục tăng thị phần, không ai đứng lại cả. Đứng lại là chết. Thép là ngành công nghiệp đòi hỏi vốn lớn”- vị lãnh đạo này nói.

Dự án Dung Quất chia làm 2 giai đoạn bao gồm 2 triệu thép dài và 2 triệu thép dẹt. Phương án đầu, 2 giai đoạn này cách nhau 18 tháng, ban đầu làm xong 2 triệu thép xây dựng mới thực hiện 2 triệu thép dẹt. Vốn chủ sở hữu của Hòa Phát tại 31/12/2016 đạt 20.000 tỷ đồng, vốn của 12 công ty hiện tại được 10.000 tỷ đồng. “Chúng tôi đã trích ra 10.000 tỷ đồng làm vốn đối ứng cho giai đoạn 1 và vay vốn 10.000 tỷ đồng của Vietinbank. Hiếm có dự án nào cẩn trọng như Hòa Phát, các dự án khác chỉ cần vốn chủ 30%, nhưng Hòa Phát sử dụng 50%. Có nghĩa là giai đoạn 1 chúng tôi đã đóng đủ tiền, chỉ việc làm thôi. Riêng về giá vốn vay từ Vietinbank, các cổ đông không phải lo vì Hoà Phát là khách hàng tốt nên giá vốn rất thấp. Khi chúng tôi nói về giá vốn này, nhiều quỹ đầu tư cũng giật mình”- ông Long cho biết thêm.

Về kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, Hội đồng Quản trị dự kiến chào bán 250 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 5:1 (mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phần sẽ được quyền mua 1 cổ phần mới), số tiền thu về tối thiểu 4.000 tỷ đồng để đầu tư cho giai đoạn hai Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Ông Long lý giải thêm, dự án này được chia làm 2 giai đoạn cách nhau 18 tháng và cần khoảng 40.000 tỷ đồng. Ở giai đoạn một cần số vốn 20.000 tỷ đồng thì hiện công ty đã có 10.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, 50% còn lại đã được Vietinbank cam kết cho vay nên không liên quan gì đến số tiền thu được từ việc phát hành. "Không phải vì thiếu tiền làm giai đoạn một mà phát hành cổ phiếu"- ông Long khẳng định. Tuy nhiên, để nắm bắt thời cơ kinh doanh, Hòa Phát không đợi làm xong giai đoạn 1 mới làm giai đoạn hai. Công ty phát hành cổ phiếu, chuẩn bị đủ vốn đối ứng thực hiện song song luôn giai đoạn 2. Đây là cách giữ vững sức mạnh tài chính tự thân của doanh nghiệp, phát triển an toàn bền vững và cũng là cơ hội để tất cả các cổ đông mua cổ phiếu giá tốt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần