Siết chặt đầu vào ngành y và sư phạm: Cân nhắc cho phù hợp

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã ban hành Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2019 với một số điểm mới, trong đó việc siết chặt đầu vào của ngành y và ngành sư phạm nhận được nhiều ý kiến đồng tình của dư luận.

Sinh viên đại học sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Chiến Công
Việc nên làm 
Theo dự thảo thông tư, đối với các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên và lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Trong đó, học lực lớp 12 phải xếp loại khá, giỏi tùy theo từng mã ngành.
Năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho các trường đại học chấm bài trắc nghiệm với phần mềm được hoàn thiện hơn. Bộ cũng sẽ mã hóa toàn bộ các dữ liệu chấm thi, đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh; lưu vết điện tử những quá trình, diễn biến sử dụng phần mềm này. Chỉ những người có chức năng mới có thể đọc được các thông tin đó nhưng cũng không sửa được.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh
Theo thầy Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, thực chất việc siết chặt này áp dụng với các trường tư nhân không xét điểm thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét học bạ. “Với trường Đại học Y Hà Nội học sinh đầu vào được xét dựa trên điểm thi một số môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, chất lượng đào tạo sinh viên đầu ra luôn được đảm bảo” – thầy Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư Nguyễn Anh Trí cho rằng, nhóm ngành sức khỏe liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên không thể hạ thấp chuẩn đầu vào để thu hút thí sinh giống như những ngành học khác. Do vậy, việc Bộ GD&ĐT siết chặt đầu vào để góp phần nâng cao chất lượng nguồn tuyển sinh cán bộ ngành y tế là chủ trương đúng đắn phù hợp. “Xem lại toàn bộ điểm chuẩn đầu vào các trường thuộc lĩnh vực y tế nói chung từ năm 1976 đến nay, hầu hết luôn thuộc top những trường điểm cao, cao nhất. Vì vậy, áp những tiêu chí tuyển sinh cao hơn cũng là điều nên làm để nâng cao chất lượng” – GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Cân nhắc một số mã ngành

Trong khi việc siết chặt đầu vào ngành sức khỏe được nhiều người tán thành thì ngành sư phạm lại nhận được một số ý kiến trái chiều vì ít học sinh giỏi mặn mà với ngành. Nhiều ý kiến cho rằng, việc siết chặt đầu vào đối với các ngành đào tạo sư phạm chỉ giải quyết được phần ngọn hay bức xúc trước mắt của dư luận xã hội mà chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề, đó là thu hút người tài vào ngành sư phạm. Một giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “Biện pháp ngành giáo dục đưa ra chỉ là một phần, phần lớn lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thí sinh có đạt được yêu cầu Bộ GD&ĐT đưa ra hay không, đặc biệt là liệu những thí sinh giỏi có chọn sư phạm để xét tuyển”.

Góp ý về phương thức xét tuyển, PGS Hoàng Bùi Hải - trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, cần cân nhắc quy định phải có học lực giỏi mới được xét tuyển vào y khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt. "Có thể có những thí sinh học lực khá nhưng nổi trội ở các môn toán, hóa, sinh. Nếu quy định phải có học lực giỏi thì sẽ hạn chế cửa vào ngành nghề yêu thích của các em này. Thậm chí có khi lại tạo ra cuộc "chạy đua" học bạ giỏi để xét tuyển vào y dược. Ngược lại, cũng có những em học bạ là giỏi nhưng tổ hợp xét tuyển ngành y dược lại chỉ bình thường. Trường hợp này nếu trúng tuyển cũng là chưa hợp lý. Tôi cho rằng học lực khá trở lên là được" - PGS Hải nêu quan điểm.

Việc siết chặt đầu vào ngành sức khỏe và sư phạm là cần thiết bởi tính đặc thù riêng của hai ngành này. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, các nhà trường nên thường xuyên kiểm tra, đánh giá sinh viên, tránh tình trạng sinh viên có điểm đầu vào tốt nhưng thời gian học không nỗ lực, năng lực đầu ra bị hạn chế.