Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết chặt kinh doanh thịt lợn có thuốc kích thích tăng trưởng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ có một số ít lò mổ mua trực tiếp tại trại lợn, còn lại chủ yếu mua qua thương lái từ các tỉnh. Vì thế việc giám sát và phát hiện lợn có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng là hết sức khó khăn.

KTĐT - Chỉ có một số ít lò mổ mua trực tiếp tại trại lợn, còn lại chủ yếu mua qua thương lái từ các tỉnh. Vì thế việc giám sát và phát hiện lợn có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng là hết sức khó khăn.

Chỉ 10% trong 500 mẫu thịt lợn bị phát hiện có sử dụng chất kích thích tăng trưởng, tuy nhiên thực tế có thể còn nhiều hơn.

Đó là nhận định của bà Trương Thị Kim Châu, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM tại cuộc họp với hơn 100 thương nhân kinh doanh giết mổ và buôn bán thịt lợn tại TP HCM, diễn ra ngày 4/11.

Bà Châu cho biết thêm, từ đầu năm tới nay chi cục đã khảo sát gần 500 mẫu thịt lợn đang bày bán tại các chợ, lò giết mổ, trong đó hơn 10% số mẫu dương tính với clenbuterol (một loại thuốc kích thích tăng trưởng được người nuôi lợn sử dụng phổ biến, gây hại trực tiếp đến sức khoẻ con người).

Theo bà Châu, tỷ lệ này mặc dù giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2008 (30%) nhưng trên thực tế có thể không được như vậy. Bởi, người nuôi lợn có thể đã chủ động “tránh” kỳ lấy mẫu kiểm tra vì Chi cục Thú y TP.HCM thực hiện lấy mẫu theo kế hoạch ở từng địa bàn có thông báo thời điểm.

Hiện nay, mỗi ngày các lò mổ tại TP.HCM tiếp nhận khoảng 10.000 con lợn từ khắp các trang trại và hộ nuôi tại nhiều tỉnh thành lân cận. Trong đó, chỉ có một số ít lò mổ mua trực tiếp tại trại lợn, còn lại chủ yếu mua qua thương lái từ các tỉnh. Vì thế việc giám sát và phát hiện lợn có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng là hết sức khó khăn.

Sở NN&PTNT và Chi cục Thú y TP.HCM kêu gọi các thương nhân, các chủ lò mổ hợp tác trong việc hạn chế nguồn lợn có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng bằng việc không thu mua lợn tại các cơ sở đã được Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện có mẫu thịt dương tính với clenbuterol.

Đồng thời trong quá trình thu mua nếu phát hiện lợn có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng thì báo về cơ quan thú y để xử lý.

Bà Châu cho rằng, việc kêu gọi thương nhân hợp tác trong quá trình sản xuất, buôn bán thịt lợn như trên là một trong những biện pháp nhằm tích cực hạn chế nguồn “lợn không an toàn” bán ra thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT TP.HCM sẽ làm việc trực tiếp với các tỉnh thành cung cấp lợn thường xuyên để phối hợp xử lý. Nếu trong thời gian dài không có chuyển biến thì những biện pháp chế tài sẽ được sử dụng.

Khi đó không chỉ các trại lợn bị phạt nặng mà ngay cả thương nhân nếu “lỡ” mua phải lợn có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng cũng sẽ bị xử lý. Do đó, Sở NN&PTNT và Chi cục Thú y TP.HCM kêu gọi các tư thương, chủ lò giết mổ hợp tác trong việc phát hiện và xử lý các trại lợn có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng trong quá trình nuôi lợn.