Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư công

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Các địa phương phải phát huy vai trò của cán bộ trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện…

Điều chuyển vốn các dự án chậm triển khai

Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng ước đạt hơn 110.633 tỷ đồng, đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân chỉ mới đạt tỷ lệ 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%).

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Ảnh minh hoạ
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Ảnh minh hoạ

Theo đó, có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 22 địa phương giải ngân trên 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Có 47/52 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để cuối năm đạt mục tiêu đề ra.

Trong tháng 4/2023, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong giải ngân đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

 

Một số nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là khâu chuẩn bị đầu tư còn chậm; vướng mắc về thủ tục đầu tư như thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng, về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; công tác giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai thực hiện dự án dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân.

Ngoài ra, các yếu tố như giá cả nguyên, nhiên, vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu.

Năm nay kế hoạch đầu tư công của cả nước khoảng 711.000 tỷ. Theo Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã giao toàn bộ kế hoạch vốn là 707.044,2 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị. Đến ngày 30/4/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết là 622.612,7 tỷ đồng, đạt 88,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 84.431,5 tỷ đồng, bằng 11,9% kế hoạch, chủ yếu dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới năm 2023 đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giao vốn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dẫn đến phân bổ vốn chưa xong, tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. Ông đề nghị các bộ ngành phải đặc biệt lưu ý vấn đề này để rút kinh nghiệm. Một nguyên nhân nữa là do việc thực hiện thủ tục hành chính của các chủ thể...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vốn đã có mà không giải ngân được, thì dòng tiền, thanh khoản của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Nếu để "tích tiểu thành đại", đọng vốn nhiều sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và chính sách tài khóa, tiền tệ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan trung ương phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, xác định rõ đây là trách nhiệm của người đứng đầu. Các bộ, ngành cần chủ động rà soát trên tinh thần những dự án khó triển khai thì có thể điều chuyển vốn trong nội bộ...

Chủ động tháo gỡ khó khăn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu

Để góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị địa phương chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án. Cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư đẩy mạnh việc thanh toán nhanh qua cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian giải ngân vốn cho đơn vị thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, bộ sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Trung ương của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tương ứng với số vốn không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã có chấn chỉnh. Vừa qua, đã thành lập 13 Tổ kiểm tra, đôn đốc 38 công trình, dự án trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

“TP Hồ Chí Minh tổ chức giao ban hằng tuần về công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đánh giá tiến độ từng việc, từng dự án. Đồng thời sẽ "nỗ lực từng ngày" để thực hiện mục tiêu đề ra là giải ngân không dưới 95% trong năm 2023”- Chủ tịch Phan Văn Mãi cương quyết.

Tại Hà Nội, UBND TP ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 20/3/2023 thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó đặt mục tiêu, kết quả giải ngân đầu tư công đến hết tháng 6/2023, đạt từ 40-45%; cả năm 2023 đạt từ 95-100% kế hoạch đề ra.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, nhiều dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, dân sinh bức xúc trên địa bàn TP đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đối với 98 dự án vướng mắc về giải phòng mặt bằng (tính đến ngày 1/3/2023), UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân; đề xuất với Sở TN&MT để giải quyết hoặc báo cáo UBND TP đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của TP (hoàn thành trong tháng 4/2023 đối với các dự án có vướng mắc về nguồn gốc đất; hoàn thành trong tháng 5/2023 đối với các dự án có vướng mắc về giá)…

 

Hà Nội đặt mục tiêu, kết quả giải ngân đầu tư công đến hết tháng 6/2023, đạt từ 40-45%; cả năm 2023 đạt từ 95-100% kế hoạch đề ra.

Trước việc một số dự án triển khai chậm, chưa cần phải bố trí vốn ngay, TP thực hiện điều chỉnh kịp thời vốn sang các dự án có khả năng giải ngân tốt. Được biết, trong kỳ họp lần thứ 11 tháng 3 vừa qua, HĐND TP biểu quyết thống nhất chuyển hơn 4.200 tỷ đồng từ các dự án chậm sang các dự án đang cần sử dụng vốn, trong đó có đường Vành đai 4.

Tại Nghệ An, Chủ tịch tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, cá nhân, yêu cầu về thời gian, kết quả; quản lý chặt chẽ thủ tục, vừa thực hiện đúng quy định, vừa đáp ứng tiến độ; không đề xuất, bổ sung dự án mới khi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án hiện tại.

Đại diện các địa phương báo cáo cụ thể về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện của các dự án; nêu các kiến nghị xử lý vướng mắc đối với bộ ngành và giải pháp tập trung triển khai để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, nhất là đối với những công trình trọng điểm; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để đẩy mạnh đầu tư công. Các địa phương cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để giải ngân đạt kế hoạch đề ra trong năm 2023.