KTĐT - Đến thời điểm này, hầu hết mặt hàng nông sản đều tăng giá mạnh. Ngũ cốc các loại tăng 5.000 - 6.000 đồng/kg, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương tăng khoảng 30% so với thời điểm tháng 11-2009. . .
Tình hình giá cả thị trường trong những ngày đầu năm 2010 đang trở nên nóng hơn. Một trong những nguyên nhân là không ít doanh nghiệp (DN) lợi dụng chính sách để kích giá, "thổi giá"...
Áp lực đầu năm
Mặc dù mùa mua sắm Tết chưa vào cao điểm nhưng tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá nhiều mặt hàng đang nóng lên. Mọi năm, cuộc đua tăng giá chỉ bắt đầu từ trung tuần tháng 12 nhưng năm nay, nhiều đơn vị, cá nhân cung cấp hàng đã đưa ra kế hoạch tăng giá khá sớm với nhiều đợt. Đến thời điểm này, hầu hết mặt hàng nông sản đều tăng giá mạnh. Ngũ cốc các loại tăng 5.000 - 6.000 đồng/kg, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương tăng khoảng 30% so với thời điểm tháng 11-2009. . .
Đợt tăng giá này diễn ra ở nhiều nhóm ngành hàng, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu, đã gây nhiều lo lắng. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu tạo nên áp lực tăng giá ngay từ đầu năm là do giá một số loại hàng hóa trên thị trường thế giới có chiều hướng tăng (gạo, phân bón, phôi thép... ); sức mua trên thị trường tiếp tục tăng vào thời gian cận Tết; giá nhiều loại hàng hóa nhập khẩu (NK) có xu hướng cao hơn còn do biến động tỷ giá ngoại tệ... đã tạo nên sức ép, tác động đến giá nhiều mặt hàng hóa. Ngoài ra, sự nới lỏng chính sách tiền tệ - tài khóa từ năm 2009 chuyển qua, việc tăng lương tối thiểu theo lộ trình (tăng lương) 2008-2012 cũng làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư. Đặc biệt, năm 2010 cũng là thời điểm thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng như điện, than, nước sinh hoạt, xăng dầu.
Kích giá, "thổi giá"...
Hiện tại các bộ, ngành chức năng và các địa phương đang nỗ lực vào cuộc để bình ổn giá. Tuy nhiên, diễn biến thị trường cho thấy một trong những nguyên nhân quan trọng là do không ít DN lợi dụng "thổi"giá, "kích giá" ăn theo. Mặt hàng sữa và thức ăn chăn nuôi là một dẫn chứng điển hình.
Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã "leo thang" đột biến ngay khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 216/TT-BTC áp dụng mức thuế suất NK mới cho một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ ngày 1-1-2010. Giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường ngay lập tức tăng 10-15%, có loại tăng đến 20% so với tháng trước, đẩy giá một số thực phẩm lên theo.
Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Thông tư 216/TT-BTC vẫn giữ nguyên mức thuế suất NK như trước đây đối với các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, cụ thể: bột thịt, bột cá và khô dầu đậu tương - những sản phẩm chính trong thức ăn chăn nuôi NK vẫn ở mức thuế 0%; chỉ riêng mặt hàng ngô được điều chỉnh ở mức thấp với thuế NK là 5% (năm 2008 thuế suất của mặt hàng này là 0-5%). Theo tính toán của cơ quan chức năng, trong thức ăn chăn nuôi NK, ngô chỉ chiếm dưới 10%, vì thế có thể khẳng định việc điều chỉnh thuế thấp đối với mặt hàng chiếm tỷ trọng nhỏ trong nhóm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là ngô không thể gây tác động tiêu cực tới giá bán mặt hàng thức ăn chăn nuôi chung trên thị trường. Việc các DN đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên như vừa qua là hoàn toàn bất hợp lý. DN thổi phồng giá bán, sau đó lại đổ tại chính sách.
Sữa cũng là mặt hàng đang trong "điệp khúc" tăng giá, gây không ít nỗi lo cho người tiêu dùng. Các loại sữa tươi, sữa tiệt trùng của một số hãng tăng giá khoảng 6%. Nhiều sản phẩm đã tăng giá với mức 7-10% (tương đương 5.000-20.000 đồng/hộp). Khảo sát tại các siêu thị, cửa hàng cho thấy, một số nhóm hàng NK có liên quan đến nguyên liệu sữa như bánh, kẹo, bơ, phô mai… giá cũng đã tăng 5-15%. Bộ Tài chính từng khẳng định, giá sữa tại Việt Nam cao bất hợp lý. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng từng có điều tra chứng minh giá sữa ở Việt Nam cao hơn giá sữa cùng loại ở một số nước trong khu vực từ 60% đến hơn 200%. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có các cuộc họp với nhiều DN sản xuất thực phẩm dinh dưỡng để đưa ra những biện pháp nhằm bình ổn giá sữa. Thế nhưng, hàng loạt hãng sữa không những không ổn định giá bán mà còn "thi nhau" tăng, ngay từ đầu năm 2010. Các DN, đại lý sữa đều đưa ra những lý do cũ rích là với sữa NK thì giá nhập không tăng, nhưng do tỷ giá đồng USD với VND tăng; hoặc do phải... điều chỉnh lương nhân viên…
Theo nhận định của lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nguyên nhân của việc nhiều hãng sữa đồng loạt tăng 5-10% giá bán trong những ngày đầu năm 2010 là do theo quy định hiện hành, chỉ khi giá sữa tăng liên tục trong 15 ngày và mức tăng trên 20% so với thời điểm trước tăng giá thì mới thực hiện các biện pháp bình ổn. Mặt khác, các quy định về bình ổn giá lại không đưa các nhà phân phối sữa nước ngoài vào diện này. Chỉ DN có 51% vốn nhà nước mới nằm trong diện đăng ký giá. Đây là một "kẽ hở" lớn để DN sản xuất, phân phối mặt hàng sữa "lách luật" như họ đã từng "lách" thành công nhiều năm nay.
Phải xử lý nghiêm
Năm 2010, giá cả hàng hóa được dự báo sẽ diễn biến phức tạp hơn và chịu tác động của nhiều yếu tố. Vấn đề đáng lo ngại là nguy cơ đối mặt lạm phát cao ngay từ những tháng đầu năm. Chính phủ đã đặt mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2010 dưới 7%, đi kèm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%. Có thể nói việc kiềm chế giá đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Để kiềm chế giá đòi hỏi sự linh hoạt trong phương thức điều hành chính sách và các giải pháp vĩ mô. Trước mắt, để quản lý hữu hiệu giá cả trong dịp Tết Nguyên đán, tránh việc tăng giá tự phát, gây sốc cho nền kinh tế, các cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi sát sao, chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường, kịp thời có các biện pháp bình ổn giá nếu xảy ra đột biến. Trong quá trình này, cơ quan quản lý giá cần kiểm tra thường xuyên việc thu các loại phí dịch vụ, giá cả hàng hóa, không để DN, cá nhân lợi dụng tăng giá trái phép như vừa qua. Những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm (không niêm yết giá, bán hàng cao hơn giá niêm yết, đầu cơ, găm hàng...) tùy theo mức độ vi phạm phải được xử phạt thích đáng để ngăn chặn tình trạng "té nước theo mưa"...