Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết chặt quản lý kinh doanh đa cấp: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (Nghị định số 40) về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có những điểm tích cực giúp cho các DN bán hàng đa cấp hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và giảm rủi ro về kinh tế một cách thấp nhất.

Đó là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sự TP Hà Nội) với báo Kinh tế & Đô thị về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà Bộ Công Thương đang công khai lấy ý kiến góp ý.
 Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Bất cập trong quản lý
Quan điểm của ông về hiệu quả của việc áp dụng Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong thời gian qua?
- Ngày 12/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tạo ra cơ chế quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với hoạt động kinh doanh có nhiều biểu hiện phức tạp này. Nghị định 40 đã bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của DN bán hàng đa cấp (BHĐC), phân cấp sâu hơn trong quản lý nhà nước.
Qua hơn 3 năm triển khai, Nghị định 40 đã giúp Chính phủ quản lý tốt hơn đối với hoạt động BHĐC. Hoạt động BHĐC cơ bản được quản lý tốt, số lượng vụ việc vi phạm vẫn còn nhưng đã giảm và không còn nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng xảy ra như những năm trước đây, các DN chân chính cũng được hưởng lợi nhờ việc thanh lọc DN vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém. Tuy nhiên, trên thực tế thi hành thì vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể, những bất cập đó là gì, thưa ông?
- Trên cơ sở định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 40 xác định đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Điều 4 như sau: “Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa…”. Với những quy định như trên, Nghị định số 40 tập trung chủ yếu quản lý đối với hoạt động BHĐC. Chỉ DN bán hàng đa cấp với những hàng hóa không bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 40 mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận).
Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với các đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm và không được cấp giấy chứng nhận. Các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận bị coi là vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật.
Trong thực tiễn thực thi xuất hiện nhiều vụ việc mà trong đó DN, cá nhân thực hiện huy động vốn góp, nhận ủy thác đầu tư, bán cổ phần nội bộ… theo phương thức đa cấp. Về bản chất, đây là những hoạt động đa cấp biến tướng có tính chất lừa đảo.
Việc áp dụng các quy định pháp lý hiện hành về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để ngăn chặn trước khi hậu quả lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra đang gặp vướng mắc. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 40 thì “Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh…”.
Trong khi đó, theo khoản 16, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Vì quy định trên, các cơ quan chức năng gặp lúng túng khi xác định các hoạt động huy động vốn có hay không phải là hoạt động kinh doanh do các hoạt động này nằm ngoài phạm vi “từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ”. Do không xác định được rõ ràng những hoạt động này là hoạt động kinh doanh nên không đủ cơ sở nhận định những hoạt động này khi được thực hiện theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này theo quy định tại Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng gặp vướng mắc. Cụ thể, Nghị định này không có quy định nào về xử phạt đối với những hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm, bao gồm những hành vi như huy động vốn, cho vay, mua bán ngoại tệ, “tiền ảo”… theo phương thức đa cấp.
Thẩm quyền xử lý đối với những hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm, bao gồm những hoạt động huy động vốn, cho vay, mua bán ngoại tệ, “tiền ảo”… theo phương thức đa cấp chưa được pháp luật quy định rõ ràng và cụ thể. Theo quy định hiện hành, việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc chức năng của Bộ Công Thương, mà trực tiếp là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ thực hiện quản lý nhà nước đối với các DN thuộc diện được cấp giấy chứng nhận và chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động bán hàng đa cấp của các DN này. Các hiện tượng hoạt động huy động tài chính, kinh doanh ngoại tệ, “tiền ảo”, cho vay theo phương thức đa cấp mặc dù bị cấm theo quy định pháp luật, nhưng không thuộc phạm vi quản lý nhà nước và thẩm quyền xử lý của Bộ Công Thương. Điều đó cũng có nghĩa là những hoạt động này không phải là hoạt động BHĐC nên nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 40, không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận và cũng không bị xử lý theo quy định pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp
Mới đây (ngày 17/6), Bộ Công Thương đã công khai lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ông đánh giá như thế nào về một số điểm quan trọng trong Dự thảo đã được Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung?
- Việc Bộ Công Thương Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40 và đã công khai lấy ý kiến góp ý về Dự thảo là rất thiết thực và sát với tình hình thực tế. Dự thảo này có nhiều điểm mới, quy định rõ ràng và cụ thể hơn sẽ giúp các cơ quan chức năng và DN khi thực hiện các thủ tục không còn gặp vướng mắc. Một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, Dự thảo quy định rõ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động BHĐC bao gồm nghĩa vụ trả thưởng theo kế hoạch, nghĩa vụ mua lại hàng hóa nếu người tham gia trả lại hàng theo đúng quy định. Các nghĩa vụ phát sinh không trên cơ sở hợp đồng, kế hoạch trả thưởng, ví dụ như trả lại hàng hóa mà người tham gia đã nhận rồi gửi tạm ở công ty, không được coi là nghĩa vụ liên quan đến hoạt động BHĐC.
Giải pháp này có tác động tích cực trong giải quyết đề nghị sử dụng tiền ký quỹ, giúp xác định rõ nghĩa vụ nào của DN sẽ được giải quyết bằng tiền ký quỹ, giải quyết được tình trạng lúng túng như thực tiễn hiện nay.
Thứ hai, Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động của DN BHĐC tại địa phương giúp tạo điều kiện nhằm nâng cao chất lượng của người đại diện DN tại địa phương, thúc đẩy các vấn đề liên quan đến hoạt động của DN trên địa bàn được thực hiện một cách tốt hơn.
Thứ ba, Dự thảo quy định rõ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động BHĐC bao gồm nghĩa vụ trả thưởng theo kế hoạch, nghĩa vụ mua lại hàng hóa nếu người tham gia trả lại hàng theo đúng quy định. Các nghĩa vụ phát sinh không trên cơ sở hợp đồng, kế hoạch trả thưởng, ví dụ như trả lại hàng hóa mà người tham gia đã nhận rồi gửi tạm ở công ty, không được coi là nghĩa vụ liên quan đến hoạt động BHĐC.
Ngoài các đề xuất sửa đổi, bổ sung nêu trên, tại Dự thảo Nghị định cũng đã xây dựng những quy định mới như bổ sung, làm rõ các quy định về điều kiện đăng ký hoạt động BHĐC; điều chỉnh giảm thời lượng và nội dung đào tạo cơ bản bắt buộc; điều chỉnh cơ chế bảo trợ quốc tế… qua đó nhằm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp. Dự thảo đã góp phần giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động BHĐC, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, đảm bảo tính thống nhất và dễ hiểu, dễ áp dụng của từng quy định pháp luật.
Theo ông, việc siết chặt quản lý bằng Nghị định 40 sửa đổi, bổ sung sẽ tác động như thế nào đối với các DN bán hàng đa cấp trong thời gian tới?
- Việc siết chặt quản lý bằng Nghị định 40 sửa đổi, bổ sung sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các DN BHĐC trong thời gian tới. Một ví dụ điển hình là việc Dự thảo bổ sung điều kiện DN có vốn đầu tư nước ngoài trước khi tham gia thị trường Việt Nam phải hoạt động BHĐC tối thiểu 3 năm ở một quốc gia khác.
Cùng với các điều kiện về đăng ký hoạt động bán hàng đối với các DN đa cấp đã giúp sàng lọc các DN tham gia thị trường, là cơ sở để DN được cơ quan chức năng và người tiêu dùng đánh giá uy tín. Đồng thời, đây cũng được xem là cơ hội để các DN chân chính tiếp tục tồn tại và phát triển. Tránh tình trạng như hiện nay, nhiều DN bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc chấm dứt hoạt động do không hiệu quả bởi sự cạnh tranh không lành mạnh từ các hình thức đa cấp biến tướng.
Bên cạnh đó, các quy định chặt chẽ giúp các DN chưa có kinh nghiệm hoạt động một cách hiệu quả và bài bản hơn, đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn.
Tỉnh táo trước những mánh khóe lừa đảo tinh vi của kinh doanh đa cấp biến tướng
Thời gian qua, bên cạnh các DN hoạt động kinh doanh đa cấp chính thống, còn có không ít DN lợi dụng hình thức kinh doanh này để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp gây bức xúc trong dư luận. Ở góc độ là Luật sư, ông có thể chỉ ra những dấu hiệu của các hình thức bán hàng đa cấp biến tướng giúp người tham gia BHĐC và người tiêu dùng nhận biết?
- Một số dấu hiệu cơ bản để nhận diện một DN BHĐC biến tướng gồm:
Thứ nhất, Kinh doanh đa cấp khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Căn cứ theo Điều 6, Điều 7 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định hoạt động BHĐC là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được đăng ký tại Bộ Công Thương. Do đó, chỉ khi các DN đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Với những DN kinh doanh đa cấp mà không có giấy chứng nhận này có thể coi là kinh doanh bất hợp pháp, dễ mang bản chất của hoạt động BHĐC biến tướng.
Người có ý định tham gia BHĐC và người tiêu dùng có thể kiểm tra xem DN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC hay chưa bằng cách truy cập vào trang thông tin điện tử của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), ở đó, danh sách các DN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC được cơ quan có thẩm quyền cập nhật thường xuyên và đăng tải công khai.
Thứ hai, DN yêu cầu đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định là điều kiện bắt buộc để tham gia vào hệ thống, mạng lưới kinh doanh đa cấp.
Đây là một trong những chiêu trò phổ biến của các DN BHĐC biến tướng. Họ thường dụ dỗ người tham gia bỏ ra một khoản chi phí để tham gia vào mạng lưới BHĐC của DN. Chi phí này có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như: Mua một lượng hàng nhất định, mua thẻ thành viên, mua tài liệu kinh doanh do DN tự biên soạn… với giá cao hơn giá vốn của nó. Sau khi mất tiền để tham gia, người tham gia tiếp tục mời gọi những người khác nộp tiền vào mà không mua bán sản phẩm gì, hoặc có sản phẩm nhưng sản phẩm không có giá trị.
Thứ ba, cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng hoặc giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới BHĐC.
- Với những DN đa cấp bất chính, hình thức cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng hoặc giới thiệu người mới là một cách làm phổ biến. Ở những DN này, việc bán hàng không được chú trọng mà chỉ tập trung vào tuyển dụng, có thể không có hàng hóa hoặc nếu có thì hàng hóa này chỉ là hàng hóa giá rẻ, thô sơ để làm bình phong cho hoạt động thu tiền tuyển dụng. Nguồn gốc của khoản tiền thưởng mà người tham gia nhận được không xuất phát từ hiệu suất bán hàng mà chính từ khoản tiền ban đầu (điều kiện gia nhập mạng lưới) mà người được tuyển dụng mới nộp cho DN. Các DN này sẽ tự sụp đổ khi không còn tuyển được người mới, không còn tiền để chi trả cho tuyến trên nữa. Khi đó, người chịu bất lợi chính là những người tham gia vào mạng lưới đa cấp bất chính.
Vậy, ông có lời khuyên nào đối với người tham gia BHĐC cũng như cảnh báo với người tiêu dùng để tránh “tiền mất tật mang” trước kinh doanh đa cấp biến tướng?
- Đối với những người tham gia BHĐC muốn tham gia kinh doanh cũng như người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm từ các DN đa cấp trước tiên phải có sự tìm hiểu về DN đó. Dựa vào các đặc điểm nhận dạng của hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo mà xác định được DN mà mình muốn tham gia, tin dùng có thực sự đảm bảo về uy tín, chất lượng hay không.
Người dân cũng nên thường xuyên cập nhật thông tin về hình thức kinh doanh này thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Khi phát hiện trường hợp dụ dỗ, lôi kéo, yêu cầu các khoản thu bất chính từ DN đa cấp phải báo ngay cho các cơ quan chức năng nắm rõ để có biện pháp xử lý kịp thời. Từ đó, phần nào bảo vệ mình cũng như những người xung quanh khỏi những mánh khóe lừa đảo tinh vi của các đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp để trục lợi bất chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho xã hội.
Xin cảm ơn ông!