Siết chặt quản lý quỹ nhà TP, không để phát sinh thủ tục ngoài quy định

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Chưa có chế tài, biện pháp xử lý cứng rắn giải quyết những trường hợp trây ỳ, nợ tiền thuê nhà, vi phạm trong sử dụng quỹ nhà Nhà nước. Để tình trạng này kéo dài, có trách nhiệm của các sở quản lý Nhà nước..."- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nêu rõ.

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn TP Hà Nội, sáng nay, 15/6, Đoàn giám sát số 1 của HĐND TP do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng Đoàn đã tiến hành giám sát tại Sở Xây dựng Hà Nội.

Dự buổi giám sát có đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra của Thành ủy, các Ban HĐND TP, Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP, Văn phòng UBND TP và các sở, ngành liên quan.

Quản lý các loại quỹ nhà với nhiều địa điểm, diện tích sử dụng lớn

Tại đây, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh đã báo cáo cụ thể thực trang, kết quả thực hiện, những tồn tại, nguyên nhân, giải pháp và kiến nghị đề xuất của Sở để thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP. Cùng với đó, báo cáo kết quả thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý với nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước của TP từ năm 2016 đến nay.

Các thành viên Đoàn giám sát số 1 của HĐND TP Hà Nội nêu ý kiến trong buổi giám sát tại Sở Xây dựng Hà Nội
Các thành viên Đoàn giám sát số 1 của HĐND TP Hà Nội nêu ý kiến trong buổi giám sát tại Sở Xây dựng Hà Nội

Trong đó, Sở đã thực hiện chỉ đạo của TP trong nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các loại quỹ nhà của TP với nhiều địa điểm, diện tích sử dụng lớn, như: Nhà chuyên dùng có 838 điểm với tổng diện tích nhà 178.148m2; diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các nhà chung cư TĐC 85.176m2; 12 căn nhà công vụ của TP; 29.200 căn nhà ở có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước; 199 tòa nhà chung cư TĐC với gần 18.000 căn; 1 dự án nhà ở xã hội với 8 khối nhà 6 tầng… Đồng thời, theo dõi 106 dự án nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.

Với số quỹ nhà lớn, có đặc thù lịch sử và cơ chế chính sách thay đổi trong quá trình quản lý, Sở đã cố gắng thực hiện công tác quản lý Nhà nước được giao, phối hợp các sở, ngành TP và các công ty được UBND TP giao quản lý, vận hành, khai thác trực tiếp tiến hành rà soát, kiểm tra theo quy định; báo cáo TP tình hình quản lý quỹ nhà trên địa bàn và các tồn tại, vướng mắc để giải quyết.

Các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận những cố gắng của Sở Xây dựng trong thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là quỹ nhà trên địa bàn TP, song đề nghị làm rõ một số vấn đề: Thực trạng chất lượng các tài sản công đang quản lý, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Xây dựng với các sở ngành liên quan nhất là Sở Tài chính để quản lý khối tài sản rất lớn của TP, trách nhiệm của Sở Xây dựng trong chủ động đề xuất các cơ chế chính sách, biện pháp quản lý của TP đối với những tài sản nhà không để ở và để ở…

Đặc biệt, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình cho rằng, với khối lượng tài sản công Sở đang quản lý rất lớn, đa dạng và lịch sử quản lý rất phức tạp nhưng hiện trạng hồ sơ quản lý chưa  rõ, trong khi đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nên tới đây Sở cần phân giao trách nhiệm và khẩn trương thiết lập hồ sơ quản lý với những vấn đề đã có quy định, tránh lỗ hổng quản lý… Với quỹ nhà chuyên dùng của TP, nhiều tổ chức cá nhân thuê đang sửa chữa, cải tạo làm biến dạng, không phù hợp, vậy Sở làm rõ cơ sở nào để các tổ chức cá nhân này cải tạo? Đồng thời, số nợ nghĩa vụ tài chính của các tổ chức cá nhân thuê là rất lớn và tăng nhanh, nên cần làm rõ tính chất nợ cũng như phân loại nhóm để đôn đốc thu hồi, có biện pháp xử lý.

Lãnh đạo Sở Xây dựng tiếp thu, làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát nêu 
Lãnh đạo Sở Xây dựng tiếp thu, làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát nêu 

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân đánh giá, tình trạng quản lý, khai thác và sử dụng quỹ nhà của TP còn nhiều tồn tại ở tất cả nội dung, cần quan tâm siết lại trong thời gian tới. Thực tế quỹ nhà này hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, trong đó quỹ nhà chuyên dùng nổi lên nhiều bất cập với 357/803 nhà còn tồn tại hạn chế vi phạm; các căn TĐC trong quá trình tổ chức thực hiện nảy sinh vi phạm, nhiều căn để trống rải rác ở các tòa nhà, nhiều năm chưa khai thác được, dần bị khấu hao, gây thất thoát lãng phí…

“Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước nhất là các sở Xây dựng, Tài chính, TN&MT ở đâu, khi những hạn chế này không phải xảy ra gần đây mà đã nhiều năm trong từng lĩnh vực, nội dung nhưng đến nay chưa giải quyết triệt để (người dân và các cơ quan được giao chỉ là đối tượng sử dụng)?”- ông Nguyễn Nguyên Quân đặt câu hỏi.  

Trước các ý kiến của Đoàn giám sát, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã giải trình làm rõ. Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong khẳng định tiếp thu các ý kiến này và sẽ chỉ đạo triển khai những giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới để Sở thực hiện tốt công tác này, cũng như hoàn chỉnh báo cáo gửi lại Đoàn theo các nội dung yêu cầu.

Không để phát sinh thủ tục ngoài quy định

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhận định: Công tác rà soát, hướng dẫn, ban hành văn bản để thống nhất trên địa bàn TP chưa được Sở chỉ đạo, tham mưu UBND TP kịp thời, nhất là từ năm 2020 đến nay (sau khi các nghị định về quản lý nhà ở, tài sản công được ban hành, sửa đổi) dẫn đến quá trình tổ chức thực hiện các chính sách chung trong thực tế còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Đặc biệt, việc để tồn tại, khó khăn lớn trong quản lý nhà chuyên dùng cho thấy Sở và các sở, ngành liên quan chưa quan tâm triệt để xử lý; đã thực hiện kiểm tra nhiều lần, phát hiện số lượng vi phạm lớn song chậm giải quyết.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận giám sát
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận giám sát

Báo cáo của Sở và Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội nêu có đến 357/803 (47%) điểm nhà chuyên dùng còn tồn tại, vi phạm, trong đó nhiều dạng có tính lịch sử, đặc thù, càng để lâu càng khó giải quyết. Nhiều điểm nhà chuyên dùng cho các đơn vị thuê nhưng đã quá hạn hợp đồng đã lâu mà chưa được ký lại hoặc gia hạn; nhiều địa điểm Sở không thu được tiền cho thuê. Đồng thời, số nợ phải thu còn lớn cho thấy trách nhiệm của Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các đơn vị trong phối hợp quản lý Nhà nước, đòi hỏi có lộ trình xử lý, giải quyết  cụ thể…

“Chưa có các chế tài, biện pháp xử lý cứng rắn để giải quyết các trường hợp trây ỳ nợ tiền thuê nhà, sử dụng sai mục đích, vi phạm trong quá trình sử dụng quỹ nhà Nhà nước. Để tình trạng này kéo dài, có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Xây dựng, Sở Tài chính và các công ty trực tiếp khai thác, vận hành các quỹ nhà. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các sở, ngành chưa nhịp nhàng, kịp thời; tình trạng hồ sơ xử lý nhiều lần, DN và người dân phải bổ sung hồ sơ, văn bản ngoài thủ tục yêu cầu dẫn đến thời gian giải quyết kéo dài…”- Trưởng Đoàn nhấn mạnh.

Từ đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đề nghị Sở Xây dựng rà soát ngay các quy trình, thủ tục, tham mưu UBND TP ban hành quy định tổ chức thực hiện với từng loại nhà từ khi đầu tư xây dựng đến vận hành khai thác. Đẩy nhanh quy trình cấp GCN sử dụng đất, sở hữu nhà… nhằm tạo thuận lợi cho người dân và DN, không để phát sinh thủ tục ngoài quy định. Đồng thời, tập trung rà soát, làm rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của DN, tổ chức để xảy ra vi phạm ở các địa điểm, khu nhà quản lý; phân nhóm đối tượng vướng mắc, vi phạm cụ thể để có biện pháp kiến nghị cơ quan thẩm quyền giải quyết dứt điểm.

Cùng đó, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong quản lý sử dụng quỹ nhà, tăng kiểm tra các quỹ nhà được giao cho các công ty thuộc TP quản lý; phối hợp Sở Tài chính đề xuất sớm chế tài, biện pháp xử lý cứng rắn để giải quyết các trường hợp trây ỳ nợ tiền thuê nhà, sử dụng sai mục đích, vi phạm trong sử dụng quỹ nhà Nhà nước.

Đối với Sở Tài chính, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị khẩn trương tăng rà soát, thẩm định giá thuê nhà và giá bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, giá khởi điểm đấu giá các diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư TĐC, trình UBND TP. Sở TN&MT tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tổng hợp những nội dung về cơ sở là nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước; chủ động hướng dẫn cấp GCN và tham mưu TP quản lý, sử dụng đúng quy định...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần