Siết chặt quản lý tài nguyên môi trường biển, hải đảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Nhiều ĐB cho rằng, trách nhiệm liên quan đến bộ, ngành địa phương trong Dự án Luật chưa đầy đủ, thiếu cụ thể.

ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) cho rằng, đã có nhiều ý kiến góp ý song Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được trình lần này chưa được tiếp thu đầy đủ. Do đó đề nghị Quốc hội xem xét các ý kiến đóng góp một cách nghiêm túc.
ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Theo ĐB Đinh Xuân Thảo, phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng còn chồng lấn với các luật khác. Đặc biệt, ĐB Thảo cho rằng, hiện nay nếu giao chính cho Bộ TN&MT thì sẽ quản lý không xuể vì riêng quản lý đất đai (nhất là việc cấp sổ đỏ) đã rất nặng. Bên cạnh đó, một số nội dung trong Dự thảo Luật chưa đưa Công ước quốc tế Luật biển năm 1982, do đó cần rà soát lại chế định.

Liên quan tới quy hoạch kế hoạch sử dụng biển, ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng nên quy định cụ thể hơn về cơ chế, công cụ quản lý. Quy định về quản lý tài nguyên hải đảo hiện còn rất sơ sài, không rõ trách nhiệm và cơ chế thực hiện.

Đặc biệt, theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh, cần quy định rõ hơn về quản lý vùng bờ biển bởi hiện nay như khu bờ biển miền Trung đang được giao cho các địa phương khai thác, quản lý dẫn tới tình trạng "cắt khúc", bởi các DN xây dựng những khách sạn, nhà nghỉ, khu resort... ảnh hưởng tới môi trường và cảnh quan của bờ biển. "Trước đây, vịnh Nha Trang biển trong xanh thăm thẳm nay không còn nhận ra Vịnh Nha Trang vì xây dựng khách sạn, nuôi cá lồng bè..." - ĐB Khánh ngậm ngùi.

Bên cạnh vấn đề quản lý bờ biển, các ĐB ở nhiều tổ cũng cho rằng vì lợi ích trước mắt, nhiều ngư dân sử dụng các phương pháp, ngư cụ đánh bắt mang tính huỷ diệt, đang diễn ra khá phổ biến, đe doạ nghiêm trọng đến sự sinh tồn của nguồn lợi thuỷ sản. Do vậy, cần có những quy định, biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khắc phục tình trạng đánh bắt bằng phương pháp giã cào, thuốc nổ.

ĐB Lê Văn Hoàng (đoàn Đà Nẵng) cho biết, ngư dân buộc lưới vào hai tàu và kéo sát đáy, khiến cho không còn sinh vật nào sống sót. Không những thế, họ còn dùng chất nổ để đánh bắt cá, mang tính hủy diệt toàn bộ tài nguyên, lại gây hại cho môi trường, nhưng tới nay chưa có biện pháp mạnh để xử lý, việc này đang gây cạn kiệt nghiêm trọng tài nguyên thiên nhiên biển.Do vậy, Luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển.

Theo các ĐB, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200km, hai quần đảo lớn, diện tích thềm lục địa trên 1 triệu km2 và hàng ngàn đảo nhỏ… Đây cũng là khu vực thường xảy ra tranh chấp với nước ngoài, ngư dân các nước khai thác trái phép trên vùng biển của nước ta. Do vậy, cần có công cụ pháp lý để xử lý những vấn đề này.       

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, định nghĩa về đảo, bờ biển… chưa rõ ràng, hành lang bờ biển cũng rất khó hiểu. Do vậy, cần làm rõ thế nào là vùng bờ, vùng bờ biển, vùng biển, đảo, bán đảo, quần đảo… Ví dụ TP Quy Nhơn có đảo Cù Lao Xanh rất sát bờ, Nha Trang có khu vực đảo gần bờ thì gọi là gì...

Nhiều ĐB khác cho rằng nên thành lập cơ quan quản lý kinh tế biển đảo, để vừa khai thác, vừa bảo vệ nguồn lợi từ biển, hải đảo...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần