Khoán xe công phải gắn với hạ tầng và sửa các luật liên quan
Việc Bộ Tài chính đi đầu trong khoán xe công một số chức danh được dư luận đánh giá cao. Đây không phải là lần đầu tiên một cơ quan Nhà nước gương mẫu đi đầu trong việc khoán xe công. Tuy nhiên, số người nhận khoán vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì sao, thưa ông?
- Không phải từ khi có Quyết định 32/2015/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ mới đề cập tới việc khoán xe công, mà chủ trương này đã có từ trước, nhưng phương thức khoán chỉ thực hiện theo hình thức tự nguyện. Định hướng tới đây, việc khoán xe công không chỉ được thực hiện tại Bộ Tài chính mà sẽ mở rộng ra các địa phương, bộ, ngành khác.
Tôi cho rằng, chúng ta không thể triển khai khoán xe công ồ ạt được mà phải có lộ trình, gắn với hạ tầng. Thực tế, có những nơi phương tiện công cộng không có, phương tiện cá nhân cũng khó khăn thì sẽ rất khó để việc khoán xe công hiệu quả. Ngoài ra, muốn thực hiện việc khoán này một cách mở rộng cần phải sửa pháp luật liên quan. Ví dụ, sửa Quyết định 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Như ông đã nói, định hướng tới đây sẽ mở rộng việc khoán xe công. Vậy, làm sao để chủ trương đúng này có sức lan tỏa, chứ không chỉ dừng ở Bộ Tài chính và ở một số chức danh?
- Nghị quyết của Chính phủ có nêu ra yêu cầu là khẩn trương xây dựng phương án và lộ trình thực hiện khoán xe ô tô công đối với một số chức danh theo quy định. Sau một thời gian thực hiện, có một số bộ, ngành, địa phương khoán tự nguyện thấy tốt sẽ báo cáo Thủ tướng. Một số địa bàn, lĩnh vực có thể khoán bắt buộc. Ví dụ như địa bàn ở khu trung tâm, đô thị, khi phương tiện công cộng, cá nhân phát triển tốt thì hoàn toàn có thể khoán được. Với một số chức danh, tiến hành khoán kinh phí cho các đồng chí lãnh đạo tự túc phương tiện đi, không phải bố trí xe nữa.
Hiện nay, tại một số cơ quan Nhà nước, nhiều xe công quá cũ, tiền sửa nhiều hơn tiền mua mới, gây lãng phí tiền ngân sách. Phương án nào để xử lý số xe công này, thưa ông?
- Qua rà soát trên cả nước, hiện có hơn 37.000 xe công, chưa kể xe của lực lượng công an, quân đội. Trong đó, có 901 xe phục vụ các chức danh. Đến nay, dù một số địa phương chưa thực hiện xong công tác rà soát, sắp xếp nhưng đã cho thấy tình hình quản lý, xử dụng xe công vẫn có nơi thừa, nơi thiếu. Nếu sắp xếp, điều chuyển theo đúng chức danh, tiêu chuẩn thì sẽ dôi dư hàng nghìn xe công.
Cùng với việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi từng bộ, ngành, địa phương yêu cầu tăng/giảm định mức và điều chỉnh số xe dôi dư (nếu có) từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đối với xe dôi dư, nếu quá cũ, địa phương tự bán thanh lý và nộp tiền vào ngân sách. Xe vẫn sử dụng được thì đưa về Bộ Tài chính để điều chuyển, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Sử dụng lãng phí tài sản công có thể bị xử lý hình sự
Theo tính toán, giá trị tài sản công trong cả nước có thể lên đến hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng lãng phí các tài sản này vẫn diễn ra. Ông có thể cho biết giải pháp nào để khắc phục và hạn chế sự lãng phí?
- Theo ước tính sơ bộ của Bộ Tài chính, hiện tổng giá trị tài sản Nhà nước (tài sản công, bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc..., có giá trị trên 500 triệu đồng) là khoảng 1.040 nghìn tỷ đồng, tương đương 50 tỷ USD. Bên cạnh đó, đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, trụ sở làm việc, máy móc, thiết bị được đầu tư bằng ngân sách, các loại tài nguyên thiên nhiên, tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước, kết cấu hạ tầng, dự trữ quốc gia... cũng được coi là tài sản công.
Qua đánh giá Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008, việc tổ chức triển khai có lúc có nơi chưa nghiêm túc về quản lý sử dụng tài sản công, quy định về xử lý vi phạm còn chưa nghiêm. Do đó, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công lần này đưa ra rất chặt chẽ về xử lý vi phạm, quy định cụ thể về việc phải bồi hoàn cho Nhà nước, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự; người đứng đầu cơ quan cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vì để xảy ra vi phạm tại đơn vị mình.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tài sản phần mềm, biển số xe… cũng có thể coi là tài sản công. Thời gian tới, liệu việc đấu giá nguồn lực này có được thực hiện không, thưa ông?
- Một số nước đã mang ra bán đấu giá biển xe đẹp, số điện thoại đẹp. Hoặc bản thân cá nhân nào có xe muốn có biển số dễ nhớ, trùng với ngày tháng năm sinh hay một ngày kỷ niệm nào đó thì có thể được chọn nhưng phải trả cho cơ quan cấp biển số này một khoản tiền. Các nước không đưa số tiền trên vào ngân sách mà làm từ thiện hay thực hiện công tác xã hội.
Hiện nay, ở nước ta chưa thực hiện đấu giá hay yêu cầu đối tượng muốn sở hữu biển xe đẹp, số điện thoại đẹp phải trả phí. Nhưng chúng tôi sẽ nghiên cứu, sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành sẽ tính tới câu chuyện này. Quan điểm của tôi là các nước làm như thế rất phù hợp. Nên đưa vào từ thiện hay hoạt động xã hội, không nên đưa vào ngân sách.
Xin cảm ơn ông!
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, Sở đang xin ý kiến Bộ Tài chính về phương án khoán xe công, sau đó trình UBND TP Hà Nội phê duyệt. Chủ trương này sẽ được Hà Nội thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 13824/BTC-TCCB gửi các đơn vị trực thuộc Bộ về quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với các chức danh lãnh đạo của Bộ. Theo đó, Bộ yêu cầu các cơ quan trực thuộc soát ngay số lượng xe, lái xe chung và lái xe phục vụ chức danh (lái xe riêng của các thứ trưởng, lãnh đạo cục, tổng cục thuộc Bộ), báo cáo về Bộ trước ngày 10/10/2016. Bộ sẽ có phương án cắt giảm dần số lượng lái xe hiện có; sắp xếp, điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu, điều chuyển dần lái xe phục vụ các chức danh đã được khoán sang phục vụ lái xe công tác chung các cơ quan hoặc bố trí làm công việc khác phù hợp. |