70 năm giải phóng Thủ đô

Siết doanh nghiệp vay vốn nước ngoài

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước xây dựng với những điều khoản quy định các điều kiện vay chặt chẽ hơn nhằm quản lý thận trọng vay nước ngoài của DN.

Lường trước rủi ro

Thời gian gần đây, vay nước ngoài của tổ chức tín dụng (TCTD) và DN có xu hướng tăng do tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế, nhiều DN vay vốn từ công ty mẹ, để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Điều này dẫn đến nguy cơ không đảm bảo chỉ tiêu tổng hạn mức rút vốn ròng trung, dài hạn và mức tăng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài được phê duyệt hàng năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với những kế hoạch phát hành cổ phiếu, niêm yết trái phiếu ra thị trường quốc tế, nhiều DN Việt Nam đã huy động vốn thành công qua các hợp đồng tài trợ, vay vốn từ tổ chức quốc tế. Vào đầu tháng 3/2021, HDBank đã ký kết thành công hợp đồng vay vốn trị giá 71 triệu USD (khoảng 1.700 tỷ đồng) từ Ngân hàng Thương mại Quốc tế Mega (Đài Loan). Ngoài ra, HDBank còn đạt nhiều thỏa thuận vay vốn từ các định chế tài chính toàn cầu như JP Morgan Chase, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á…

Mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng vừa ký hợp đồng vay hợp vốn trị giá 30 triệu USD (hơn 690 tỷ đồng) với nhóm 4 ngân hàng Đài Loan đó là: Union Bank of Taiwan, Taichung Commercial Bank - Labuan Branch, Taishin International Bank và Huanan Commercial Bank. Công ty Chứng khoán MB (MBS) vay 10 triệu USD từ Ngân hàng Kookmin (KB) - Chi nhánh Hồng Kông để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh…

Theo các chuyên gia, DN Việt Nam đã thành công nhờ huy động vốn giá rẻ từ quốc tế, hỗ trợ rất nhiều trong sản xuất kinh doanh cho DN. Với mục tiêu phát triển sản xuất toàn diện, duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao theo định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, xu hướng DN tăng vay vốn nước ngoài là không tránh khỏi. Dù vậy vẫn có những tiềm ẩn rủi ro.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường - kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính (Học viện Tài chính), nợ công của Việt Nam không phải là vấn đề quá lớn. Tính theo quy mô GDP mới, nợ công của Việt Nam còn cách xa ngưỡng 60% Quốc hội đề ra nhiều. Tuy nhiên, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng nợ khu vực tư trong nước đang là vấn đề.

Thống kê hiện nay cho thấy nợ khu vực tư nhân rơi vào khoảng 138 - 140% GDP nền kinh tế. Mức nợ tư này tương đối cao so với khu vực tư của nhiều nước. Nếu khu vực tư tiếp tục trả được nợ, không gây ra các rủi ro khác thì không vấn đề gì. Nhưng nếu khu vực tư không trả được nợ thì rơi vào bài toán giống như các DN phát hành trái phiếu không trả được, hay các DN vay nợ, dùng đòn bẩy tài chính lớn nhưng không trả được thì sẽ là câu chuyện lớn.

Có trường hợp bên đi vay nhận chuyển nhượng dự án hoặc mua cổ phần, mua phần vốn góp của DN khác nhưng không nhằm mục tiêu phát triển dự án, quản lý DN mà tiếp tục chuyển nhượng dự án, bán cổ phần cho bên thứ ba, thì hoạt động mua đi bán lại cũng có thể tạo bong bóng giá, không tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế và cần bị hạn chế.

Chặn vay ngắn hạn vào đầu cơ, áp trần lãi suất

Theo Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030 (Chiến lược) do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký, dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP.

Về định hướng huy động và sử dụng vốn vay, Chiến lược nêu rõ, điều hành nợ chính quyền địa phương trong phạm vi bội chi ngân sách địa phương được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo trong hạn mức dư nợ theo Luật Ngân sách nhà nước. Kiểm soát tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng GDP của năm trước. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài tự vay tự trả của DN, tổ chức tín dụng, đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép.

Để kiểm soát được mức vay nước ngoài tự vay tự trả, đảm bảo hạn mức hàng năm duy trì các ngưỡng nợ an toàn được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN nghiên cứu xây dựng phương án quy định điều kiện vay chặt chẽ đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh. Do đó, NHNN vừa đưa ra dự thảo thay thế cho Thông tư 12/2014/TT-NHNN, quy định điều kiện vay nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh theo hướng “siết” hơn.

Đối với vay ngắn hạn nước ngoài, dự thảo quy định DN chỉ được vay ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ phát sinh trong vòng 12 tháng từ thời điểm ký thỏa thuận vay, song không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng vay với người cư trú, các khoản phải trả phát sinh từ mua chứng khoán kinh doanh, góp vốn mua cổ phần, mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án.

Theo nhà điều hành chính sách tiền tệ, định hướng quản lý trên nhất quán với quan điểm đánh giá rủi ro qua đó cần quản lý chặt chẽ đối với các lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản trong hoạt động cấp tín dụng trong nước.

Ngoài định hướng chặn mục đích vay nước ngoài ngắn hạn đầu tư vào chứng khoán và bất động sản nói trên, NHNN cũng dự kiến không cho phép sử dụng vốn vay ngắn hạn để nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và mua cổ phần, mua phần vốn góp, do việc thực hiện dự án hoặc mua cổ phần, mua vốn góp tại DN nhằm thâu tóm DN, mua bán sáp nhập để quản lý, phát triển DN về lâu dài là hoạt động mang tính dài hạn.

Bởi lẽ, nếu vay vốn nước ngoài ngắn hạn để thanh toán cho khoản nợ phát sinh từ các mục đích sử dụng vốn trung dài hạn nêu trên sẽ tạo ra rủi ro thanh khoản và đi ngược lại bản chất của dòng vốn ngắn hạn chỉ nhằm hỗ trợ thiếu hụt thanh khoản tạm thời.

NHNN nghiên cứu, đưa ra một số biện pháp quản lý mang tính tính kỹ thuật. Cụ thể, chi phí vay nước ngoài bằng ngoại tệ bằng lãi suất tham chiếu cộng với 8%/năm; còn vay bằng tiền đồng, lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cộng 8%/năm. Hay bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ đối với khoản vay nước ngoài có kim ngạch trên 500.000 USD… Ngoài ra, dự thảo thông tư còn quy định về giới hạn vay nước ngoài, tỷ lệ đảm bảo an toàn, mục đích vay nước ngoài…

Theo các chuyên gia, áp dụng trần “chi phí toàn bộ” cho nợ nước ngoài tự trả nhằm giới hạn chỉ những người vay có uy tín tín dụng và có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý mới được vay nước ngoài. Bên cạnh đó, yêu cầu bảo hiểm rủi ro tỷ giá, hạn chế dư nợ vay cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, áp dụng mức trần chi phí vay… là cần thiết.

 

Các tổ chức chấm điểm tín nhiệm không chỉ xem xét tình hình trả nợ của Chính phủ, mà còn đối với cả công ty tư nhân. Khối tư nhân vay nước ngoài càng lớn càng tác động đến điểm tín nhiệm quốc gia, đẩy lãi suất lên cao ngay cả đối với các khoản vay của Chính phủ. Dù Chính phủ không phải chịu trách nhiệm chi trả, thì trong trường hợp DN tư nhân vỡ nợ vẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền tài chính trong nước.

TS Nguyễn Trí Hiếu