UBND Thành phố giao Công an Thành phố sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tiến hành điều tra cơ bản, tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến các hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ.
Công an TP phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Cục Thuế Hà Nội… chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, thành lập các tổ kiểm tra liên ngành tiến hành tổng kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ trên địa bàn, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để kịp thời khắc phục và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ.
Ảnh minh họa.
|
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục, ban giám hiệu các trường học và cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, vận động giáo viên, cán bộ công nhân viên, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ.
Sở Tài chính căn cứ tình hình cụ thể, hướng dẫn, bố trí kinh phí và báo cáo đề xuất UBND Thành phố cấp bổ sung cho các sở, ngành để đảm bảo thực hiện Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03/9/2009 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan báo chí, truyền thông của Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Nghị định 72/2009/NĐ-CP ngày 03/9/2009 của Chính phủ tới mọi tầng lớp nhân dân, tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên…
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ban, ngành và UBND các phường, xã, thị trấn thuộc địa bàn phối hợp với Công an tổ chức kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo UBND TP Hà Nội, thời gian gần đây tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ trên địa bàn TP diễn biến phức tạp. Một số đối tượng lợi dụng kinh doanh các dịch vụ này để hoạt động phạm pháp, tác động xấu đến an ninh, trật tự trên địa bàn thủ đô. Các hành vi vi phạm chủ yếu là cầm đồ không kiểm tra nguồn gốc tài sản, không kiểm tra giấy tờ nhân thân người đi cầm cố, không vào sổ theo dõi cầm đồ, biến tướng để cho vay tiền với lãi suất cao (tín dụng đen).
Đặc biệt còn có hiện tượng chủ cầm đồ liên kết với các đối tượng khác để đòi nợ thuê có sử dụng bạo lực đe dọa, xâm phạm quyền tự do thân thể của công dân, kinh doanh cầm đồ không phép…
Tính đến tháng 12/2013, trên địa bàn Hà Nội có 2.525 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó có 34 doanh nghiệp, còn lại là các hộ kinh doanh cá thể. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ tập trung chủ yếu trên địa bàn: Đống Đa, Hà Đông, Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên, Thanh Xuân.