Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết mạnh tái cơ cấu ngân hàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia và nhiều thành viên thị trường tỏ ra ủng hộ các nội dung mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa vào dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu, trong đó quy định các phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản... tổ chức tín dụng yếu kém và cho phép bán nợ xấu với giá thấp hơn giá trị sổ sách.

Xử lý nhanh “cục máu đông”

Trong một diễn đàn đầu tư dành cho giới chuyên nghiệp hồi cuối năm ngoái, một nhận định chung được đưa ra là nếu không có các biện pháp mạnh tay, nợ xấu ngân hàng đến năm 2019 chưa thể giải quyết ổn thỏa. Chừng nào còn “cục máu đông” này, hoạt động của các ngân hàng khó có khả năng được cải thiện mạnh mẽ. Điều này cũng tác động đến cả nền kinh tế vì van bơm vốn bị tắc nghẽn, thậm chí có chuyên gia còn nói rằng “máu không chảy được về tim”.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh HDBank Hà Nội.  Ảnh: Thanh Hải

Bên cạnh đó, định hướng cứu các ngân hàng yếu kém như trước đây và hiện đang áp dụng khiến cạnh tranh trên thị trường không thực chất, mặt bằng lãi suất ngân hàng luôn trong cảnh chực chờ cơ hội leo thang. Nguyên nhân chính là không tồn tại định mức tín nhiệm trên thị trường ngân hàng, vì người dân và tổ chức được đảm bảo tiền gửi, một cách tự động. Thực tế này dẫn tới việc các sản phẩm trên thị trường ngân hàng hiện gần như cào bằng, ngân hàng tốt xấu lẫn lộn.

Bởi vậy những nội dung mới theo đề xuất chính sách của NHNN nhận được sự ủng hộ rất cao. Cụ thể cả 3 nội dung lớn gồm cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đều có nhiều điểm mới và theo kịp thông lệ khu vực.

Đặc biệt, Chương II dự thảo quy định về phát hiện và xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt rất được thị trường quan tâm. Theo đó, các phương án xử lý bao gồm: Phương án phục hồi; phương án xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản); phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt (NHNN nhận chuyển giao bắt buộc hoặc chỉ định TCTD nhận chuyển giao bắt buộc).

Trong trường hợp phá sản, trên cơ sở đề nghị của NHNN, Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt của NHNN đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi đã được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả và cơ chế xử lý đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc chi trả tiền gửi cá nhân trong trường hợp này không bao gồm tiền gửi của người quản lý, người điều hành, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn và những người có liên quan... Cũng theo các quy định mới, sẽ không có phương án mua 0 đồng các ngân hàng như trước đây.

Tuân theo quy luật thị trường

Tiến sỹ Lê Quang Bính, chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế đã ổn định và đang được kiểm soát tốt, định hướng chính sách sớm như trên là phù hợp để đưa ra các tín hiệu cho các TCTD hoạt động tốt hơn. Vị chuyên gia này cũng không tán thành phương án mua 0 đồng trước đây vì cho rằng không giải quyết được các mâu thuẫn và bất cập ở chính các ngân hàng.

Đứng ở góc độ khác, ông Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc mạnh tay xử lý các ngân hàng yếu kém, đặc biệt xử lý vấn đề sở hữu chéo, sân sau của các ông chủ ngân hàng là điều quan trọng nhất để hệ thống hoạt động lành mạnh. Việc áp dụng các quy luật thị trường vào hoạt động ngân hàng, như cho phép phá sản ngân hàng yếu kém cần sớm được triển khai, với điều kiện có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Luật sư Trương Thanh Đức là người rất ủng hộ việc tạo thông thoáng cho những cái chết của DN hoặc ngân hàng. Ông cho rằng, trên thế giới việc khai tử DN cũng dễ dàng như khi cho phép nó ra đời, nhưng hiện chúng ta cứ hà hơi thổi ngạt cho các tổ chức kinh tế, tín dụng, đến lúc không thể cứu vãn được, tổ chức vẫn lăn ra chết và tác động là vô cùng tai hại. Luật Phá sản đã có một chương về phá sản ngân hàng nhưng chưa được áp dụng.

Một chuyên gia kiểm toán đến từ big 4 (E&Y, Deloitte, KPMG và PwC) thì cho rằng, nên làm nghiêm vấn đề này từ chính các báo cáo tài chính của ngân hàng. Trước hết cần bỏ ngay quy định, báo cáo tài chính của ngân hàng không được có ngoại trừ, vì làm như hiện nay dẫn đến những cái nhìn lệch lạc và không chuẩn xác về sức khỏe của các ngân hàng.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vừa diễn ra, các thành viên Chính phủ thống nhất từ nay sẽ không đặt ra vấn đề NHNN mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với phương án xây dựng 2 văn bản để trình Quốc hội, gồm dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự thảo một luật sửa nhiều luật (Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan).