Theo đại diện các đơn vị chức năng, muốn giải quyết triệt để tình trạng này, các cơ quan quản lý cần phải xem xét lại quy hoạch các bến xe, trách nhiệm nhà xe và tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ giao thông cho hành khách.
Còn quá tải, còn xe "dù"
Thực tế, mỗi khi có đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, xe "dù" vi phạm giảm rõ rệt, nhưng khi vắng bóng cơ quan quản lý, đâu lại vào đó.
Xe khách vẫn mở cửa "vợt" khách dọc đường Kim Đồng, Giải Phóng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, dù đã tăng nặng hình thức xử phạt, thậm chí giữ xe nhưng các vi phạm xe khách vẫn diễn ra.
Thừa nhận thực tế của tình trạng xe "dù", ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty quản lý Bến xe Hà Nội cho rằng, mặc dù đã chấn chỉnh từ nhiều năm, nhưng việc dừng đón khách hiện vẫn chỉ trông chờ phần lớn vào ý thức của nhà xe và hành khách!
Bên cạnh đó, theo các đơn vị chức năng, xe “dù” còn “đất” hoạt động vì các bến xe đã quá tải và yếu kém trong công tác cơ cấu tổ chức vận tải, cơ sở hạ tầng.
Theo thống kê của Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội, trong địa bàn thủ đô hiện có 5 bến xe gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Lương Yên. Tuy nhiên, bộ mặt bến xe Hà Nội không mấy thay đổi. Bến Lương Yên mới xây “trăm tỷ” thì nằm ế khách. Trong khi đó các bến cũ, một số thì chuyển đổi mục đích sử dụng để xây cao ốc, số khác thì hoặc quá tải, hoặc cũng ngấp nghé vượt “ngưỡng”.
“Hiện nay, Bến xe Giáp Bát xuất bến 800 lượt xe, bến xe Gia Lâm có 400 lượt xe ra vào trong khi nếu xếp khéo thì bến cũng có thể nhận thêm khoảng 200 lượt xe. Với Bến xe Mỹ Đình có tần suất 1.300 lượt xe/ngày, mặc dù mới xây dựng năm 2004, song bến này đã không còn sức để “gánh” thêm xe nữa,” ông Trung nhận định.
Theo ông Trung, hình thức vận tải khách Việt Nam bao gồm nhiều thành phần kinh doanh tham gia đa dạng như doanh nghiệp, hợp tác xã, cá thể hộ gia đình vì thế chênh lệch cung - cầu đã dẫn đến số lượng xe ở các bến đã vượt công suất thiết kế thực tế.
Dẫn ra số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay, cả nước có 1.206 doanh nghiệp nhỏ chạy tuyến xe cố định; trong đó hợp tác xã có 422 đơn vị dưới 5 xe, 296 đơn vị có từ 5-10 xe và 488 đơn vị có hơn 10 xe.
Cũng có đề xuất và đưa giải pháp cơ cấu lại tổ chức vận tải bằng cách: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thống nhất lại với nhau theo cách gom hành khách tại các điểm nhỏ lẻ đến bến xe để các tập đoàn vận tải đảm bảo kinh doanh nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, hình thức này sẽ khó thực hiện do không thuận tiện đi lại.
“Cơ sở hạ tầng về đường sá, vận tải trung chuyển (xe buýt tại các tỉnh) đã phát triển để xe khách có thể tiếp cận được chưa? Hành khách sẽ không chấp nhận đi lại nhiều lần do tổng chi phí tăng. Đây chính là lý do vì sao lưu lượng xe nhỏ lẻ, nhiều tuyến trong cùng hành trình đi lại của một tỉnh tập trung các bến ở Hà Nội lại cao đến thế,” ông Trung nhận định.
Giải bài toán quy hoạch, nâng ý thức
Theo Trung tá Mẽ, giải quyết dứt điểm xe dừng đỗ bắt khách, xe “dù” bến “cóc” thì điều phải làm trước tiên là quy hoạch lại các bến xe.
Chứng minh cho vấn đề này, Trung tá Mẽ cho biết, Bến xe Mỹ Đình theo thiết kế công suất tiêu chuẩn năm 2004 là 600 lượt xe/ngày nhưng từ năm 2009 đến nay, lưu lượng xe xuất bến cao hơn gấp hai lần. Diện tích bến không đủ chứa xe nên thời gian xe đỗ ít. Vì thế, lệnh xe xuất bến sẽ phải giãn đều và có sự điều chỉnh phù hợp với số lượng xe có trong bến.
Lý giải rõ hơn, Trung tá Mẽ đưa ra ví dụ, một xe vào bến trước kia được “nằm” lại 20 phút bắt khách ở bến nhưng giờ cao điểm phương tiện đã phải rút ngắn còn 5 – 10 phút trong khi nhu cầu đi lại không cao. Số xe này sẽ “đùn” hết ra đường lại, cộng với ý thức hành khách vẫn đứng dọc đường “vẫy” xe thì không thể chấm dứt được nạn "bến cóc".
Gần đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ xây dựng 3 bến xe khách tại các điểm đầu mối vào trung tâm thành phố là bến xe Duyên Thái tại xã Duyên Thái, Thường Tín, với mục tiêu giảm tải cho bến Giáp Bát và Nước Ngầm; bến xe khách Phùng (thị trấn Phùng, Đan Phượng) nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, bến xe Phùng cũ và bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm).
Nhằm khắc phục thực trạng bến xe vượt quá năng lực lực vận tải, công suất thiết kế, ông Trung cho biết, sau Tết Nguyên đán tới, Công ty sẽ tính toán quản lý bến xe như thế nào, đánh giá để có phương án thích hợp.
Ngoài ra, ý thức hành khách và trách nhiệm lái xe cũng góp phần dẹp “loạn” thực trạng xe “dù”, bến “cóc” tồn tại lâu nay.
Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng hướng dẫn tuyên truyền luật giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (Bộ Công An) cho biết: “Nguyên nhân của thực trạng xe 'săn' khách dọc đường đều do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, đó là không làm chủ tốc độ, đi không đúng phần đường quy định, tranh giành khách...
Điều đó cho thấy, việc đào tạo, giáo dục đạo đức đội ngũ lái xe vẫn đang là một vấn đề cần được quan tâm cấp bách,” Thượng tá Sơn chia sẻ.
Thượng tá Sơn đưa ra dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp, chủ xe đã quá dễ dãi trong việc tuyển dụng lái xe, thậm chí tuyển dụng cả lái xe điều khiển loại xe không đúng yêu cầu của luật giao thông đường bộ. Doanh nghiệp khoán quản doanh thu cho lái phụ xe nên vì lợi ích kinh tế, tình trạng bắt khách dọc đường dường của xe khách dường như chưa có bài toán giải quyết.
Theo đại diện các cơ quan chức năng, hiện nay hành khách vi phạm vẫn chưa có chế tài xử phạt. Thậm chí, nếu có Luật, lực lượng cảnh sát giao thông cũng không thể đủ lực lượng, công cụ để thực thi xử lý những đối tượng này.
Đối với hành khách, Thượng tá Sơn khuyến cáo người tham gia giao thông bằng xe ôtô khách hãy là một hành khách thông minh, phải biết chọn phương tiện vào bến mua vé đảm bảo quyền lợi, không nên đón xe ngoài để tránh tình trạng xe “dù” bến “cóc.”