Siết ngân sách để giảm bội chi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) đến giữa tháng 5 ước tính ở mức 67,6 ngàn tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Từ nay đến cuối năm, cân đối ngân sách vẫn đứng trước nhiều khó khăn, đòi hỏi phải tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả chi ngân sách.

Tín hiệu khả quan từ  sản xuất, kinh doanh

Tổng cục Thống kê mới đây công bố, tổng thu NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/5 ước tính đạt 340,4 ngàn tỷ đồng, bằng 37,4% dự toán năm. Theo Bộ Tài chính, trước diễn biến giá dầu thô trên thế giới biến động giảm (liên lục trong 4 tháng đầu năm) dẫn đến thu NSNN từ dầu thô giảm lớn, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu cũng chịu tác động làm giảm thu. Tuy nhiên, công tác thu NSNN có tín hiệu đáng mừng, đó là các khoản thu trực tiếp từ sản xuất, kinh doanh (SXKD) có tiến độ thu tương đối đồng đều, khả quan, phản ánh sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế. Cụ thể như thu từ khu vực DN Nhà nước đạt 81,5 ngàn tỷ đồng, bằng 37% dự toán năm; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 53,8 ngàn tỷ đồng, bằng 38%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 49,7 ngàn tỷ đồng, bằng 41,5%... đã góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách, bù đắp ảnh hưởng tiêu cực do giá dầu thô giảm.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với tình hình này, thu NSNN trong tháng 5 tiếp tục khả quan. Trong các nhóm giải pháp đề ra từ nay đến cuối năm trong điều hành tài chính - ngân sách, Chính phủ tiếp tục tập trung sức tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, đẩy mạnh xuất khẩu. Chính phủ cũng quyết tâm giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội..., phấn đấu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của ASEAN 6. Đây có thể coi là giải pháp đột phá, trọng tâm được Chính phủ quyết tâm trong điều hành để cải thiện thúc đẩy SXKD của DN, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu.

Nâng hiệu quả từng đồng vốn

Bên cạnh thu ngân sách khả quan, số liệu cho thấy, tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2015 ước tính đạt 408.000 tỷ đồng, bằng 36% dự toán năm. Như vậy, bội chi NSNN đến giữa tháng 5 ước tính ở mức 67,6 ngàn tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán năm. Thời gian tới, áp lực phải tăng chi rất lớn (đầu tư cơ sở hạ tầng, chi trả các khoản nợ đến hạn, chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành, đảm bảo các nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và ưu tiên dành nguồn để cải cách tiền lương). Trong khi đó, đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, tình hình huy động vốn đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ dự kiến trong các tháng cuối năm 2015 sẽ khó khăn hơn khi các tổ chức tín dụng tăng cho vay tín dụng đối với khu vực SXKD, nên có thể sẽ giảm mức đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, tương tự các năm 2013 và 2014, giải ngân vốn ODA của năm 2015 đang có xu hướng vượt dự toán khá cao. Điều này có thể dẫn tới số bội chi NSNN không giữ được mức trần đã được Quốc hội đề ra. Trước những thách thức nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần rà soát, sớm có phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn trong cân đối ngân sách cho các địa phương cũng như chủ động trong điều hành NSNN, bảo đảm theo dự toán đã được Quốc hội quyết định. Cụ thể, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, phải tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả chi ngân sách, rà soát, cương quyết cắt giảm những nhiệm vụ chi kém hiệu quả và gây lãng phí. Chi ngân sách phải sát dự toán, cần minh bạch và phải chủ động cắt giảm nếu thấy không cần thiết để giảm bội chi. Ngoài việc phải triệt để thực hành tiết kiệm, việc quy định chỉ có địa phương bảo đảm khả năng trả nợ mới được huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản sẽ chấm dứt được tình trạng địa phương huy động tràn lan.