Siết quản lý, nâng hiệu quả sử dụng vốn vay ODA

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Thừa nhận vốn ODA thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhưng đại diện Bộ Tài chính ngày 25/10 thừa nhận, nguồn vốn ODA cần được sử dụng một cách chiến lược và cẩn trọng hơn trong bối cảnh mức độ ưu đãi ngày càng giảm.

Ưu đãi ngày càng giảm
Số liệu từ Bộ Tài chính cho hay, giai đoạn 2005 – 2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD. Nguồn vốn này dành cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực như hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; xóa đói, giảm nghèo…, góp phần phát triển kinh tế. Theo ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, vốn ODA thực chất là nợ quốc gia. “Việt Nam hiện đã là một quốc gia thu nhập trung bình, mối quan hệ đối tác và các nguồn tài trợ đang thay đổi. Nguồn vốn ODA cần được sử dụng một cách chiến lược hơn và cẩn trọng hơn để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế và huy động các nguồn vốn tư nhân bổ sung cho các nguồn lực công” - ông Hải nhấn mạnh.

Đường vành đai 3 trên cao sử dụng nguồn vốn ODA đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hùng Huy

Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân khoảng từ 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7 - 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 - 25 năm với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011 - 2015). Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp. Dự kiến, đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 - 3,5%.
Tăng hiệu quả vốn vay
Trong bối cảnh đó, tăng cường quản lý nguồn vốn vay ODA để phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn này, đảm bảo mục tiêu vay nợ bền vững là cần thiết. Thực tế, thời gian qua, trong quá trình thực hiện Thông tư số 218/2013/TT-BTC về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài của các nhà tài trợ, một số khó khăn trong giải ngân nguồn vốn này đã được nhiều bộ, ngành phản ánh. Đó là việc ban hành thông tư quy định cho phép dự án giải ngân vốn ODA vượt kế hoạch được giao với điều kiện trước 30 tháng 12 hàng năm chủ dự án gửi kế hoạch vốn bổ sung được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, từ năm 2015 các dự án không được phép giải ngân vượt kế hoạch. Vốn được giao quá thấp, lại chậm được bổ sung nên các dự án bị động. Ngoài ra, quy trình hạch toán ngân sách Nhà nước chưa rõ khi mà dự án chậm nhận được kết quả ghi thu ghi chi; số liệu hạch toán chênh lệch so với thực tế phát sinh, gây ảnh hưởng lớn trong vấn đề quyết toán dự án; số liệu giải ngân lớn hơn nhiều so với số kế hoạch được giao...
Để hạn chế các vướng mắc này, Bộ Tài chính đã ban hành một số quy định mới trong Thông tư số 111/2016/TT-BTC. Trong đó bỏ quy định về việc được giải ngân vượt kế hoạch. Thông tư này cũng bổ sung hướng dẫn một số nội dung đặc thù đối với ODA như hồ sơ kiểm soát chi gồm có hiệp định, hợp đồng kèm bản dịch, các hồ sơ, chứng từ liên quan... Và ngay đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Theo đó, nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch và tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần