Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết quy trình đào tạo lái xe: Hướng đến nâng chất lượng đầu ra

Hoàng Hiệp - Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia nhận định, quy định mới về đào tạo, sát hạch lái xe tại Thông tư số 38/2019/TT - BGTVT của Bộ GTVT có rất nhiều điểm tiếp cận được xu hướng của thế giới, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và an toàn của người dân.

Hào hứng với bài học mới
Thông tư 38/2019/TT - BGTVT quy định về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ ra đời đã khiến không ít người dân, học viên lo lắng. Nguyên do là tại thông tư này, chương trình học và thi sát hạch cấp GPLX được siết chặt hơn, đặc biệt với công tác giám sát khâu sát hạch.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hồng Đạt - Phó trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Thông tư 38 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.
Khu vực thi sát hạch lái xe tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe, Đại học Phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Ngọc Hải
Theo đó, điểm mới nhất trong công tác sát hạch cấp GPLX ô tô là đưa thêm nội dung học và sát hạch qua hình thức học mô phỏng bằng ca - bin, được áp dụng từ 1/1/2021. Học viên trực tiếp điều khiển ca - bin mô phỏng như đang lái ô tô thật. Bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết về Luật Giao thông đường bộ cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 450 lên 600 câu.
“Sự ra đời của Thông tư 38 tại thời điểm này hết sức có ý nghĩa, nhằm bổ khuyết một số thiếu sót của Thông tư 12 trong quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo như cập nhật các quy định mới của luật sát với thực tế và tiếp cận được xu hướng của thế giới” - ông Nguyễn Hồng Đạt nhận định.
Bên cạnh đó, các bài học, thi ứng dụng công nghệ hiện đại cũng rất có lợi cho học viên. Thông qua hệ thống này, học viên có thể làm quen và thao tác thực tế, thậm chí tập xử lý một số tình huống tiềm ẩn nguy hiểm trên đường mà người đang tập lái hiện nay ít khi gặp phải.
Anh Phạm Đức Thắng (trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết: “Khi có thông tin về quy định mới tôi đã khá lo lắng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, quy định mới sẽ không làm khó người học mà còn rất thực tế và thú vị, nhất là hình thức học ca - bin mô phỏng”.
Không chỉ học viên, ngay cả các trung tâm đào tạo lái xe cũng rất mong chờ được hướng dẫn và nhập về những thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo. Trung tá Trần Lâm Bằng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe, Đại học PCCC, Bộ Công an cho biết, dự kiến đơn vị sẽ lắp đặt hệ thống quản lý, điểm danh học viên theo đúng lộ trình, trước ngày 1/5. Trước 1/1/2021 sẽ trang bị hệ thống mô hình ca - bin để trải nghiệm và sát hạch thông qua tình huống thực tế ảo.
Chờ hướng dẫn về học phí
Học phí đào tạo lái xe cũng là vấn đề được người dân rất quan tâm trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Hồng Đạt, hiện nay, các đơn vị đào tạo vẫn thu lệ phí đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT - BTC - BGTVT của Bộ Tài chính và Bộ GTVT.
Giao quyền cho các cơ sở đào tạo cân đối mức thu chi, niêm yết công khai lệ phí đào tạo và có báo cáo về Sở GTVT để giám sát. “Phí đào tạo đã giao cho các cơ sở tự xây dựng, do vậy các đơn vị này tự cân đối việc đầu tư thêm sân bãi, phương tiện, trang thiết bị để tính vào phí đào tạo. Năm 2020, gần như toàn bộ 42 cơ sở đào tạo lái xe tại Hà Nội đều chưa có biến đổi gì về phí đào tạo này” - ông Đạt thông tin.
Tuy nhiên, khi áp dụng theo của Thông tư 38, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải đầu tư hàng loạt ca - bin và phần mềm mô phỏng tình huống. Do đó, các đơn vị phải tính toán, cân đối lại mức học phí cho phù hợp với thực tế.
Giám đốc Trung tâm đào tạo nghề, Công ty CP Vận tải Ô tô số 2, Sở GTVT Hà Nội Lê Văn Đại cho biết, việc tăng cường giám sát thời gian học lý thuyết và thực hành là một trong những yếu tố tăng cường chất lượng đào tạo lái xe.
Điều này cần có hệ thống máy móc, thiết bị theo nội dung Thông tư 38. Nhiều trung tâm đang chờ hướng dẫn chính thức của Bộ GTVT để thống nhất triển khai thực hiện cũng như có chủ trương đầu tư, tìm kiếm nhà cung cấp, qua đó sớm tính toán được chi phí, học phí.
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn áp dụng được Thông tư 38 vào thực tế công tác đào tạo, sát hạch lái xe theo đúng theo lộ trình đề ra thì trước đó, Bộ GTVT cần có hướng dẫn chi tiết và sớm ban hành những quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trên toàn quốc.
Điều này sẽ giúp các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe sớm chủ động đưa ra phương án về học phí, góp phần ổn định công tác giảng dạy cũng như dư luận Nhân dân. Hơn hết, sự thay đổi về chính sách này sẽ hướng đến chất lượng đào tạo đầu ra được đảm bảo, nâng cao kỹ năng, đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

"Các đơn vị sẽ phải đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, tuy nhiên, mức học phí tới 20 - 30 triệu đồng là quá cao và phi thực tế. Các cơ sở đào tạo hiện đang vận động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh gắt gao nên không thể thích thu bao nhiêu thì thu." - Giám đốc Trung tâm đào tạo nghề, Công ty CP Vận tải Ô tô số 2, Sở GTVT Hà Nội Lê Văn Đại