Siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng vẫn chưa góp vốn như đăng ký, xuất hiện thêm công ty vốn "khủng"

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định, ngày 18/8 là hạn cuối cùng doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ hơn 500.000 tỷ đồng phải nộp đủ số tiền theo đăng ký, nếu không sẽ phải đăng ký giảm vốn điều lệ hoặc bị xử phạt.

Chưa giao vốn theo quy định

Theo thông tin từ cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, đến ngày 18/8 vẫn chưa có động thái gì cho thấy "người sáng lập" Nguyễn Vũ Quốc Anh của siêu doanh nghiệp hơn 500.000 tỷ đồng góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký. 

 CEO GAB Group Nguyễn Vũ Quốc Anh.

Trước đó, theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (35 tuổi) đăng ký thành lập một loạt công ty trong tháng 5/2021. Trong đó, có Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group); đăng ký trụ sở ở tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower (số 2 đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Doanh nghiệp này đăng ký 15 ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực chính là lập trình máy vi tính. Ngoài ra, còn có một số ngành nghề khác như in ấn; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; sản xuất linh kiện điện tử; bán lẻ đồ điện gia dụng; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.

Bố cáo của công ty này cho thấy, có 3 cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Thị Diễm Hằng góp 1 tỷ đồng, Lưu Hữu Thiện góp 1 tỷ đồng và Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.999 tỷ đồng (tương đương 21,7 tỷ USD).

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định đang xây dựng một "hệ sinh thái" để phát triển vươn ra toàn cầu, dù các công ty chỉ mới thành lập từ cuối tháng 5 đến nay. Về việc huy động số vốn 499.999 tỷ đồng trong vòng 90 ngày theo quy định, ông chủ siêu doanh nghiệp này này khẳng định có rất nhiều cách như bán các sản phẩm của doanh nghiệp đang có ra thị trường; huy động từ nhà đầu tư trong và ngoài nước hoặc bán cổ phần của công ty…

Trong buổi livestream trên Youtube trước đó, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nói rằng: "Mọi người mong chờ sau 3 tháng trong tài khoản ngân hàng của công ty tôi có 21,7 tỷ USD hoặc hơn. Suốt cuộc livestream, ông này liên tục khẳng định rằng “không nổ”, “không muốn PR”. 

Vào hồi cuối tháng 7 vừa qua, vị CEO siêu doanh nghiệp này cũng có buổi livestream ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) Cộng đồng USG (USG Community - United State of Global Community).

Theo kế hoạch phát triển được vị CEO này tiết lộ, chỉ trong giai đoạn 2021 - 2025, sàn TMĐT này sẽ mở rộng tới 200 quốc gia và thu hút hơn 3 tỷ người tham gia. Cụ thể, trong năm đầu tiên từ 31/7 đến 31/12/2021, sàn này sẽ thu hút 1,6 triệu doanh nghiệp trong nước và hơn 50 triệu người dân Việt Nam tham gia. Năm thứ 2 từ 3/3 -31/7/2022, sàn USG sẽ có mặt tại 50 quốc gia, với 1 tỷ người tham gia. Năm thứ 3 từ 3/3 - 31/12/2023, công ty sẽ mở rộng triển khai trên 100 quốc gia và có khoảng 2 tỷ người tham gia. Cuối cùng là từ 3/3/2024 - 31/12/2025, sàn TMĐT này sẽ tiếp tục phát triển mở rộng tới 200 quốc gia và có khoảng trên 3 tỷ người tham gia vào cộng đồng.

Theo các luật sư, Luật Doanh nghiệp quy định cổ đông khi đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn. Đây là các quy định nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, luật quy định các cổ đông phải góp đủ vốn điều lệ theo đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo điểm d khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp quy định thêm là trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, nếu không góp đủ thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp. Sau 60 ngày tiếp theo, nếu không có động thái góp đủ vốn, doanh nghiệp phải làm thủ tục hủy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Bước cuối cùng, nếu doanh nghiệp, cá nhân, pháp nhân không thực hiện các quyền được pháp luật cho phép sẽ bị xử lý phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (theo Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).

Xuất hiện thêm công ty đăng ký vốn từ 132 tỷ lên 128.000 tỷ đồng 

Không chỉ công ty vốn khủng trên, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tiếp tục xuất hiện một doanh nghiệp có số vốn "khủng" tại Việt Nam, là Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu. 

Công ty công bố tăng tổng nguồn vốn từ 132 tỷ đồng lên 127.902 tỷ (tương đương 5,5 tỷ USD)

Tháng 6/2019, công ty này công bố tăng tổng nguồn vốn từ 132 tỷ đồng lên 127.902 tỷ (tương đương 5,5 tỷ USD, tăng gấp 969 lần) và duy trì cho đến nay. 

Giấy đăng ký kinh doanh cho thấy doanh nghiệp này thành lập ngày 9/11/2018, có trụ sở tại phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tổng giám đốc là ông Bùi Văn Việt, sinh năm 1953, chỗ ở hiện tại ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tuy nhiên, hiện địa chỉ số 143 phố Trích Sài ven hồ Tây không có Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu như đăng ký kinh doanh nêu trên.

Tại địa chỉ số 143 Trích Sài có gắn biển dịch vụ "rửa ôtô, xe máy ngày đêm" ở cổng, không có bất cứ thông tin biển hiệu gì về Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu. Bên trong là một căn nhà cấp 4 khóa kín cửa, không có người ở.

Việc tổng tài sản của công ty Toàn Cầu được ghi nhận trên sổ sách là điều gây bất ngờ hơn. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của công ty tương đương mức vốn chủ sở hữu và không thay đổi gì so với thời điểm góp vốn. Điều này có nghĩa công ty gần như không có hoạt động sau một năm rưỡi tăng vốn khủng.

Theo đăng ký kinh doanh, công ty Toàn Cầu có ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ hàng hoá, cụ thể là bán lẻ vàng, bạc, đá quý. Ngoài ra đăng ký ngành nghề kinh doanh xây dựng nhà không để ở, cụ thể là dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe. Doanh nghiệp này còn đăng ký các ngành nghề khác như lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hòa không khí; đúc sắt, thép; xây dựng công trình cấp, thoát nước; chuẩn bị mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện; gia công cơ khí…

Vào đầu năm 2020, một công ty khác là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) được đăng ký thành lập ở Hà Nội với số vốn lên tới 144.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, các cá nhân góp vốn đã lý giải "đăng ký nhầm" số vốn điều lệ khủng này.

Gần đây xuất hiện nhiều công ty đăng ký vốn cho thuê lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khi năng lực tài chính chưa thực sự đủ. Theo TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành R&T LCT Lawyers, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), lạm dụng quy định còn sơ hở về việc tự do đăng ký vốn điều lệ, nhà đầu tư trong nước có xu hướng đăng ký mức vốn điều lệ lớn nhằm tạo lòng tin cho đối tác giao dịch với công ty mình. Cá biệt, một số trường hợp chủ ý đăng ký khống mức vốn điều lệ lớn bất thường để trục lợi bất chính. Lúc này, phần rủi ro sẽ đẩy về phía các đối tác đã "trót" có giao dịch với DN, khi các thành viên góp vốn không có khả năng chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đăng ký...

"Việc đăng ký khống vốn điều lệ và không thực góp đủ vốn điều lệ/pháp định đăng ký cũng ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, làm sai lệch thông tin về năng lực của DN và gây khó khăn cho công tác quản lý, đánh giá của nhà nước về dòng vốn đầu tư thực tế" - TS Châu Huy Quang nhận xét. 

“Hiện nay, có không ít doanh nghiệp tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ, việc đăng ký vốn điều lệ đôi khi như để “lòe” thiên hạ thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ việc góp vốn của doanh nghiệp xem họ có thực sự góp đủ vốn theo đăng ký hay không? Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao mức xử phạt nếu doanh nghiệp không làm thủ tục giảm vốn điều lệ, mức phạt từ 10 – 20 triệu hiện nay đang áp dụng là quá thấp, rất dễ dẫn đến việc doanh nghiệp “nhờn” luật”, một vị luật sư nêu quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần