Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siêu dự án thủy lộ và thủy điện trên sông Hồng: Còn đó rất nhiều câu hỏi đặt ra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 3 tháng thẩm định, Bộ KH&ĐT vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).

Một dự án có tác động đến nhiều mặt ngay lập tức nhận được những ý kiến khác nhau.

Xây 7 cảng và 6 nhà máy điện

Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất. Theo đó, Dự án sẽ triển khai việc xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 công trình đầu mối âu đập giao thông kết hợp với thủy điện, một mặt bảo đảm mực nước dâng cho vận tải thủy, một mặt phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228MW, cung cấp khoảng 912 triệu kWh điện/năm.
Một đoạn sông Hồng chảy qua địa phận TP Hà Nội. 	Ảnh: Hải Linh
Một đoạn sông Hồng chảy qua địa phận TP Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm: Cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội). Nhà đầu tư cũng nhấn mạnh, dự án sẽ kết nối, nâng cấp 2 tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định), tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 - 600 tấn. Đặc biệt, chủ đầu tư còn nhấn mạnh dự án này sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc)… Tổng mức đầu tư toàn dự án ước tính khoảng 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại, với lãi suất vay nội tệ là 9%/năm và lãi suất vay ngoại tệ là 4%/năm. Với nguồn thu chính là phí luồng tuyến, bán điện…, nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn Dự án trong vòng 25 năm. Dự án đưa ra tiến độ thực hiện từ 2016 - 2021.

Vì dự án có quy mô lớn nên Xuân Thiện đề xuất được hưởng một loạt ưu đãi như được Nhà nước hỗ trợ giá bán điện để bù giá thu phí vận tải và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình, được miễn tiền thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng, miễn thuế thu nhập DN đến thời điểm hoàn vốn...

Ghi nhận những ý kiến

Nhiều rủi ro, đó là ý kiến của Bộ Tài chính về dự án này. Theo phân tích của Bộ Tài chính, với tổng mức đầu tư khoảng 24.510 tỷ đồng, cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay thương mại là 30/70, thì vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cần phải huy động là hơn 7.350 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ hiện có của Xuân Thiện chỉ là 1.200 tỷ đồng. Ngoài việc cần phải chứng minh khả năng huy động vốn chủ sở hữu, phương án huy động 70% phần vốn còn lại từ các tổ chức tín dụng là một ẩn số. Ngoài ra, nguồn thu từ bán điện khá bấp bênh cũng là một rủi ro tài chính lớn cần suy tính cẩn trọng. Trong khi đó, do các nhà máy điện trong Dự án chưa có trong Quy hoạch phát triển điện VII (2011 - 2020), cộng với việc chưa có kết quả khảo sát về điều kiện địa chất - thủy văn, nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa đủ cơ sở để góp ý về sự cần thiết đầu tư 6 nhà máy thủy điện cũng như hiệu quả tài chính.

Các Bộ TN&MT, NN&PTNT lại quan tâm nhiều đến đánh giá tác động đến tài nguyên nước, chất lượng nước, biến đổi lòng sông, an toàn hệ thống đê điều, tiêu thoát nước, lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi hai bên bờ sông, tác động đến mất cân bằng cát vùng hạ du…

Còn đó rất nhiều câu hỏi mà dự án này cần giải đáp khi mà xu hướng phát triển bền vững đang là yêu cầu tối quan trọng cho sự phát triển hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ KH&ĐT cho hay, đề xuất của chủ đầu tư mới là bước rất sơ khai, ý tưởng đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, nhận thức được dự án này có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến môi trường, vấn đề khác nên Bộ KH&ĐT đã gửi xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương có liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có ý kiến và chủ trương của Thủ tướng, chủ đầu tư phải hoàn thiện đề xuất đó và sau đó cơ quan có thẩm quyền duyệt đề xuất. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải hỏi ý kiến của người dân và các DN và trên cơ sở có lý, có tình chứ không thể chủ quan theo ý kiến của DN…