Siêu mẫu Thanh Hằng bị "khủng bố" và hệ lụy của Facebook ở showbiz Việt

Thuỳ Trang/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Cuộc tranh cãi liên quan đến ghế giám khảo ở một cuộc thi hoa hậu giữa Thanh Hằng và Hoàng Thùy đã khiến công chúng có cái nhìn tiêu cực về showbiz Việt.

 

Siêu mẫu Thanh Hằng. Ảnh: Facebook nhân vật
Siêu mẫu Thanh Hằng. Ảnh: Facebook nhân vật

Sau khi Hoàng Thùy liên tục đăng bài và điểm tên nhiều gương mặt đình đám showbiz, Thanh Hằng đáp trả bằng động thái pháp lý.

Siêu mẫu gửi đơn lên Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh và cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị xử lý việc tài khoản của Hoàng Thùy đăng những thông tin sai sự thật.

Vụ việc chưa đi đến hồi kết, nhưng chính Thanh Hằng và Hoàng Thùy đã phải gánh chịu hậu quả.

Sau "lời qua tiếng lại" của 2 "chân dài" - những gì công chúng và dư luận được chứng kiến suốt mấy ngày qua là cuộc tranh giành vị trí giám khảo ở showbiz.

Trao đổi với Lao Động, ThS Lê Đình Quyết - Giảng viên ĐH Luật Hà Nội, Cố vấn cấp cao Công ty Luật LVI Law Firm - cho biết, mạng xã hội có tính lan truyền rộng rãi với tốc độ nhanh chóng. Do đó, khi một thông tin được đưa ra, tốc độ chia sẻ gần như không thể kiểm soát.

"Trong vụ việc của Thanh Hằng, nếu như thông tin được đăng tải là tin sai sự thật với mục đích vu khống, bôi nhọ danh dự của người khác, chủ thể có thể phải hứng chịu “khủng bố” mạng gần như ngay lập tức, với những hậu quả nặng nề về tinh thần, uy tín, danh dự".

Trong đơn tố cáo Hoàng Thùy, Thanh Hằng cũng nói cô bị tấn công, bạo lực mạng do những bài viết cắt ghép có chủ đích.

Dù vậy, ThS Lê Đình Quyết phân tích, nhiều người nổi tiếng tận dụng mạng xã hội để thu hút sự chú ý, tạo dựng hình ảnh hoặc tác động đến ý kiến công chúng. Việc này có thể mang lại lợi ích cá nhân và sự nổi tiếng.

Tuy nhiên, nếu không kiểm soát phát ngôn và có sự chừng mực, những cuộc đấu tố trên mạng có thể là con dao hai lưỡi khiến chính người trong cuộc bị tổn thất hình ảnh, thậm chí vi phạm pháp luật.

Thanh Hằng và Hoàng Thùy vướng ồn ào liên quan đến ghế giám khảo Miss Universe Vietnam. Ảnh: Facebook nhân vật
Thanh Hằng và Hoàng Thùy vướng ồn ào liên quan đến ghế giám khảo Miss Universe Vietnam. Ảnh: Facebook nhân vật

ThS Lê Đình Quyết cho biết, hành vi sử dụng mạng xã hội để vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ xử bị phạt hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Thế nhưng, xét trên những hậu quả khó lường từ những cuộc đấu tố, bạo lực trên không gian mạng, quy định mức xử phạt như hiện tại là chưa phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi.

Trên thực tế, chỉ bằng một một bài viết, một sao Việt có thể bị cộng động mạng tấn công, hoặc gây sốc với những hành vi ứng xử xấu xí.

Trước đó, Chi Pu từng hứng chịu làn sóng chỉ trích sau một bài đăng của Hương Tràm ẩn ý về người không biết hát nhưng lấy nghề ca sĩ để kiếm tiền. Hay Hải Tú cũng bị "bạo lực" mạng một thời gian dài vì một câu nói không rõ đầu đuôi của Thiều Bảo Trâm.

Đó là chưa kể những dòng trạng thái, quan điểm cá nhân, tâm thư mà người nổi tiếng đưa lên mạng xã hội hàng ngày.

Trước đó, Nam Em từng khiến hàng loạt đồng nghiệp như Trường Giang, Ninh Dương Lan Ngọc, Nhã Phương vướng điều tiếng vì những câu nói "bóng gió" trong livestream.

Khán giả từng chứng kiến Xuân Nghị, Đức Hải, Hứa Minh Đạt, Noo Phước Thịnh, Đức Hải... phát ngôn phản cảm trên trang cá nhân bị công chúng phản ứng mạnh và phải lên tiếng xin lỗi.

Nhiều sao Việt như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng, Duy Mạnh từng bị xử phạt vì đưa thông tin sai, gây ảnh hưởng tiêu cực.

Những màn đá xoáy, phát ngôn gây sốc, tạo "drama" của nghệ sĩ Việt, thêm sự cộng hưởng từ mạng xã hội đã khiến hình ảnh showbiz ngày càng xấu đi, gắn với những ồn ào tiêu cực.

Trong khi, với tầm ảnh hưởng lớn, khả năng tác động đến khán giả, nghệ sĩ Việt phải là người thận trọng trong lời nói, hành xử văn minh và có văn hóa, nhất là trên không gian mạng xã hội lớn như Facebook.