70 năm giải phóng Thủ đô

Siêu thị chia nhỏ đợt tăng giá để giảm sốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu tháng 3, hàng loạt mặt hàng áp giá mới với mức tăng trung bình 10-15%. Đây được coi là đợt tăng trên diện rộng, kể từ sau khi tỷ giá điều chỉnh và mới đây là điện, xăng, cước vận chuyển nhích lên.

KTĐT - Từ đầu tháng 3, hàng loạt mặt hàng áp giá mới với mức tăng trung bình 10-15%. Đây được coi là đợt tăng trên diện rộng, kể từ sau khi tỷ giá điều chỉnh và mới đây là điện, xăng, cước vận chuyển nhích lên.

Ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc kinh doanh Citimart cho biết, hiện tại đã có hơn 20 nhà cung cấp báo giá mới và sẽ áp dụng theo các đợt 7/3, 15/3 và 21/3, tập trung ở các mặt hàng: đồ gia dụng, nhựa, thực phẩm, bánh kẹo, hàng thực phẩm chế biến, đông lạnh... Trong đó, mức tăng phổ biến là 5-10%, một số hàng nhập khẩu và nhiều hãng sữa tăng tới 15%.

Theo ông Hải, các nhà cung cấp liệt kê các yếu tố như: nguyên liệu, tỷ giá, điện, xăng cùng đồng loạt tăng khiến chi phí đầu vào đội lên, cho nên doanh nghiệp phải bán với giá cao hơn để tương thích với những thay đổi này.

Ngay từ giữa tháng 2, nhiều đơn vị đã dự đoán một đợt tăng giá trên diện rộng sẽ khó tránh khỏi trong tháng 3, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá và nhiều mặt hàng thiết yếu rục rịch tăng. Và việc điện, xăng áp mức mới vào cuối tháng 2 càng khẳng định hàng hóa sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.

Đại diện Co.opmart cho biết: "Sau một thời gian đàm phán với nhà cung cấp để cùng xác định mức tăng hợp lý, hệ thống siêu thị sẽ chính thức tăng giá một số mặt hàng nhập khẩu hoặc có nguyên liệu đầu vào là hàng nhập khẩu, kể từ tháng 3".

Cụ thể, hàng thời trang may mặc, đồ dùng gia đình (đồ nhựa, thủy tinh), nước giải khát, đồ hộp có mức tăng 5-10%. Đại diện Co.op lý giải: "Việc điều chỉnh giá là bất khả kháng nhưng sẽ có lộ trình hợp lý và không để tình trạng tăng đột biến và gây sốc cho người tiêu dùng". Riêng hàng bình ổn bán tại siêu thị sẽ giữ giá đến hết tháng 3.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền cho biết hiện tại chỉ có thịt heo tăng 3.000-5.000 đồng một kg, chủ yếu do nguồn cung khan hiếm. Còn các mặt hàng khác, giá chưa có nhiều thay đổi so với trước và có lẽ phải chờ thêm vài ngày nữa, để tác động của việc tăng giá xăng dầu, điện, cước phí vận chuyển... có độ ngấm nhất định vào hàng hóa.

Trong khi đó, ở các chợ truyền thống, nhiều mặt hàng đã leo thang kể từ những ngày đầu tháng 3.

Hiện tại, dầu ăn Simply, Neptune, Tường An loại một lít đều tăng 1.000-3.000 đồng so với 2 tuần trước. Cụ thể, Tường An lên 37.000 đồng, Neptune 40.000 đồng một lít.

Bà Nga, tiểu thương chợ Thị Nghè, quận I cho biết đơn vị cung ứng đã thông báo sẽ tăng ít nhất 1.000 đồng mỗi lít nữa trong thời gian tới, chứ mức giá hiện tại chưa phải đã là cuối cùng của tháng 3. Hàng gia vị có sự biến động giá nhiều nhất. Ngoài dầu ăn, thì nước tương, nước mắm, bột ngọt, đường, tỏi, đậu xanh... đều nhích lên 500-3.000 đồng một kg.

Thịt lợn đùi hôm nay bán 65.000 đồng một kg, ba rọi và cốt lếch chốt mức 70.000 đồng, tăng 2.000 đồng mỗi kg so với tuần trước đó. Một số loại rau củ quả (rau muống, dưa leo, cà chua, khoai tây Đà Lạt...) tăng khoảng 2.000 đồng mỗi kg.

Giá một số loại thủy sản cũng đội lên so với mấy ngày trước. Một kg cá rô (loại nhỏ) chào giá 40.000 đồng, trong khi cuối tuần trước còn 35.000-37.000 đồng. Cá kèo từ 70.000 đồng vọt lên 90.000 đồng sáng nay. Cá lóc tăng 5.000 đồng mỗi kg, diêu hồng cũng nhích nhẹ 1.000 đồng.

Giá tăng nhưng theo chia sẻ của các tiểu thương sức mua rất yếu. "Các bà nội trợ cân đo đong đếm khá kỹ lưỡng trước khi mua và mỗi khi nhận thấy mức giá có đội lên so với thường lệ, nhiều người cầm lên đặt xuống mãi, không ngừng chất vấn người bán lý do lên giá", chị Thu, tiểu thương chợ Thái Bình, quận I chia sẻ.