Siêu thị giữ vai trò bình ổn giá?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp Tết Nguyên đán, hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống dân sinh đều tăng giá. Sau 2 tuần, mọi mặt hàng trên thị trường tự do đã cơ bản trở về mức giá trước khi tăng. Tuy nhiên, tại một số siêu thị, nhiều mặt hàng vẫn ở mức giá cao.

Rau xanh tại chợ đã hạ nhiệt.

Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại một số siêu thị và chợ truyền thống cho thấy, rau xanh và thực phẩm tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán, đến nay cũng chỉ rẻ đi đôi chút. Đặc biệt, rau xanh trong siêu thị vẫn không chịu xuống giá, trong khi thị trường tự do đã rẻ khá nhiều.

Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, sáng 21 và 22/2, mặc dù nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Rằm tháng Giêng, nhưng các loại thực phẩm, rau xanh đã giảm giá hơn rất nhiều so với dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, thịt lợn sấn, ba chỉ, bắp giò, sườn đều bán ở mức từ 75.000 – 90.000 đồng/kg. So với những ngày nghỉ Tết giá đã giảm một nửa; và so với ngày đầu tiên các cơ quan, đơn vị trở lại làm việc sau dịp nghỉ Tết, giá đã giảm từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, trở về mức giá trước khi tăng.
Rau xanh tại chợ đã giảm giá về mức giá bình thường.
Rau xanh, thực phẩm tại chợ trên địa bàn Hà Nội đã giảm giá về mức giá bình thường trước khi rét đậm, rét hại.
Sau yếu tố rét đậm, rét hại làm tăng giá trước Tết Nguyên đán, đến nay rau xanh trên thị trường tự do đã giảm mạnh. Nhiều mặt hàng giảm về mức giá trước khi tăng, như: Súp lơ xanh và trắng bán với giá từ 13.000 – 16.000 đồng/kg. Bắp cải 15.000 – 20.000 đồng/kg tùy chợ. Cải ngồng, cải ngọt 20.000 – 22.000 đồng/kg. Su hào 6.000 – 10.000/củ (tương đương 18.000 – 20.000 đồng/kg).

Hiện tại, đắt nhất vẫn là gà ta (trống) nguyên con bán ở mức 150.000 – 160.000 đồng/kg, chưa hề giảm giá so với dịp Tết.

Giá trong siêu thị cao hơn thị trường tự do?

Ngược lại với thị trường tự do, nhiều thực phẩm và rau xanh trong siêu thị chưa chịu giảm giá. Cụ thể, tại siêu thị Big C, các loại rau xanh trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán tăng giá đột biến gấp 2-3 lần (tương đương với từ 10.000 đồng đến trên 20.000 đồng/kg) so với trước đó, nhưng đến nay chỉ giảm khoảng từ 5.000 – 8.000 đồng/kg. 

Hiện tại, giá một số loại rau phổ biến ở mức trên 20.000 đồng/kg. Trong đó, bắp cải có giá 19.900 đồng/kg; cải ngồng hơn 20.000 đồng/kg; cải ngọt 22.500 đồng/kg; su hào 25.500 đồng/kg; bó xôi hơn 30.000 đồng/kg; súp lơ trắng 37.500 đồng/kg; súp lơ xanh 44.500 đồng/kg…
Thực phẩm và rau xanh tại Big C vẫn ở mức giá cao.
Thực phẩm và rau xanh tại Big C vẫn ở mức giá cao.
Cùng với rau xanh, thực phẩm tươi sống, như: Thịt lợn, thịt bò vẫn giữ giá như thời điểm bán dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể như: Thịt sấn, bắp giò, ba chỉ, nạc vai đều bán ở mức từ 102.000 – 110.000 đồng. Sườn non bán với giá 136.000 đồng/kg.

Tại siêu thị Co.opmart rau xanh rẻ hơn đôi chút so với Big C, hầu hết những mặt hàng rau kể trên đều bán ở mức từ trên 14.000 đồng đến gần 20.000 đồng/kg. Thịt lợn, đều bán từ trên 84.000 - 99.000 đồng/kg. So với thị trường tự do mức giá này vẫn cao, nhưng so với Big C đã rẻ hơn nhiều.

Cho đến thời điểm này, giá các mặt hàng thực phẩm tại Big C đều cao hơn so với Co.opmart và cả 2 siêu thị này đều cao hơn thị trường tự do từ 10.000 đến hơn 30.000 đồng/kg. Rau xanh tại Co.opmart rẻ ngang với thị trường tự do, riêng mặt hàng này ở Big C giá vẫn còn rất cao. Trong nhiều tin, bài phản ánh trước chúng tôi đã phản ánh giá súp lơ tại Big C cao gấp 2-3 lần bán trên thị trường tự do và đến nay vẫn chưa hề giảm giá.

Cần xem lại vai trò bình ổn thị trường của siêu thị

Có thể nói, cuối năm 2015 và đầu năm 2016, sản xuất chăn nuôi của nông dân ngoại thành Hà Nội cũng nh
ư cả nước không có biến động do dịch bệnh, thiên tai. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, riêng Hà Nội năm 2015 sản xuất trên 1,4 triệu con lợn, trong đó lợn thịt gần 160 nghìn con, do đó nguồn cung cơ bản đảm bảo cho tiêu thụ tại chỗ. 
Thực phẩm, rau xanh tại Co.opmart đã giảm, nhưng so với giá xăng giảm 1/2, thì mức giá này vẫn cơ bản giữ nguyên.
Thực phẩm, rau xanh tại Co.opmart đã giảm, nhưng so với giá xăng giảm 1/2, thì mức giá này vẫn cơ bản giữ nguyên.
Cùng với đó, nhiên liệu như xăng, dầu phục vụ vận chuyển hàng hóa đã giảm khá nhiều. So với cùng thời điểm này của 2014 thì giá các loại nhiên liệu kể trên đã giảm gần ½, nhưng khi ấy giá thịt lợn tại Big C chỉ bán ở mức dưới 100.000 đồng/kg. Bây giờ ngược lại, nhiêu liệu giảm giá, thực phẩm lại tăng giá và neo ở mức cao khó hiểu (Giá xăng RON 92 tại thời điểm tháng 2/2014 bán ở mức 24.510 đồng/kg, dầu diesel bán ở mức 22.770 đồng/lít. Thời điểm tháng 2/1016, xăng RON 92 bán ở mức 13.752 đồng một lít,  dầu diesel là 9.580 đồng/lít).

Nếu như, không có biến động về nguồn cung thực phẩm, nhiên liệu đầu vào giảm, vậy tại sao các siêu thị vẫn đua nhau tăng giá? Khi thời tiết rét đậm, rét hại, thị trường tự do tăng giá rau xanh, siêu thị cũng tăng giá theo; nhưng khi thị trường tự do giảm giá, siêu thị vẫn neo ở mức giá cao.

Điều đáng nói ở đây là các siêu thị kể trên đang thực hiện việc bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội. Nhưng hiện tại, giá bán ở đây lại cao hơn thị trường tự do, vậy vai trò bình ổn giá của siêu thị ở đâu? Đây là câu hỏi của người tiêu dùng chờ lời giải đáp của các cơ quan chức năng thành phố?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần