Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siêu thị, nhà hàng “sống khỏe” nhờ kênh online

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã bước sang ngày thứ hai thực hiện quyết định của UBND TP Hà Nội về việc đóng cửa các quán ăn đường phố, quán cà phê vỉa hè để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị vào ngày 18/2, các cửa hàng, quán ăn, siêu thị thực hiện khá nghiêm túc.

 Hoạt động kinh doanh tại siêu thị Lotte Mart Cầu Giấy chiều 18/2. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều biện pháp giãn cách phòng, chống dịch

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các quán cà phê, cửa hàng ăn uống tại các tuyến phố như: Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Hữu Huân, Trần Quang Khải, Hàng Vôi... (quận Hoàn Kiếm); Hàng Than, Hàng Bún, Quán Thánh... (quận Ba Đình); Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Định (quận Thanh Xuân)… đã thực hiện đóng cửa, tạm dừng hoạt động kinh doanh; lác đác mới có quán cà phê mở cửa để bán hàng mang về. Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ quán cà phê trên phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) chia sẻ: “Mặc dù đóng cửa sẽ khiến thu nhập giảm sút nhưng nếu mở thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 bùng phát mạnh, kéo theo tổn thất lớn hơn doanh thu những ngày này”.

Để hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn, một số nhà hàng, quán ăn đã lắp đặt vách ngăn đảm bảo an toàn cho khách hàng trong mùa dịch. Bà Đào Thị Thịnh, chủ quán phở Thịnh trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) cho biết, thực hiện chỉ đạo mới nhất của UBND TP Hà Nội về đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, quán phở của gia đình bà đã lắp đặt những tấm mica trên bàn để khách đến ăn được cách ly với nhau, hạn chế tiếp xúc gần.

Không chỉ nhà hàng, quán ăn mà hiện tại, nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch cao hơn trước. Tại các siêu thị Big C Thăng Long, Co.op Mart, Vinmart... các quầy thanh toán đều gắn những tấm kính ngăn cách giữa nhân viên thu ngân và khách hàng, đồng thời còn đánh dấu để quy định vị trí đứng giãn cách của từng khách hàng khi thanh toán. Ghi nhận tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông ngày 18/2, ngay tại lối vào, nhân viên bảo vệ liên tục đo thân nhiệt, xịt dung dịch sát khuẩn tay và nhắc nhở khách đeo khẩu trang khi tới mua sắm. Phía trong các quầy hàng, nhân viên vệ sinh của siêu thị liên tục lau chùi sàn nhà, nơi các vị trí có nhiều tiếp xúc. Siêu thị lên tục phát thanh khuyến cáo nhắc nhở người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đẩy mạnh bán hàng online

Để tiêu thụ hàng hóa trước tình hình dịch Covid -19 diễn biến ngày càng phức tạp, những ngày vừa qua, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website hoặc bán mang về để duy trì doanh số, giảm thiệt hại.

Chủ quán cà phê Romantic trên phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) cho biết: "Hai ngày vừa qua, trung bình mỗi ngày tôi nhận được 70 - 80 đơn hàng mua cà phê, nước hoa quả mang về. Sau khi nhận đơn hàng, nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách". Còn tại các siêu thị, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị này đều được đưa lên mạng xã hội Zalo, Facebook và website của DN. Hiện tại, lượng khách mua online đang tăng 20 -25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm chế biến như cá kho, thịt kho, tôm rang... được tiêu thụ nhiều nhất.

Tương tự, hệ thống siêu thị Big C cũng triển khai hoạt động mua sắm online. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường hình thức mua sắm online và giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên. Sau khi triển khai dịch vụ này, số đơn đặt hàng hàng qua điện thoại tăng mạnh với mức tăng trưởng trên 200% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại VinMart, hệ thống siêu thị này đã chính thức triển khai tính năng “Đi chợ online” trên ứng dụng VinID, qua đó người dân có thể yên tâm ngồi tại nhà phòng dịch Covid và mua sắm online. Phó Tổng Giám đốc Vinmart miền Bắc Nguyễn Ngọc Dung cho biết, từ mùng 4 Tết Nguyên đán 2021 đến nay, số lượng người mua sắm trực tuyến trên VinID đã tăng gấp 3 lần so với bình thường, bởi danh mục hàng hóa đa dạng với hàng trăm các mặt hàng từ rau, quả, thịt tươi… đến đồ khô đều dễ dàng mua trên siêu thị ứng dụng VinID.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết ngày 17/2 (mùng 6 Tết), doanh thu bán hàng của các DN thương mại, hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn tăng 7 - 10% so với Tết Nguyên đán 2020. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 20 - 25%, chiếm 5 - 7%; tỷ trọng khách hàng thanh toán trực tuyến chiếm 10 - 20%, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này cho thấy, những chuỗi cửa hàng ẩm thực, siêu thị nếu đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thông qua mua sắm online thì vẫn có thể sống sót qua mùa Covid-19, dù số khách hàng trực tiếp đến cửa hàng có giảm.
Ngay khi dịch Covid-19 quay trở lại, Co.opmart Hà Đông đã chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch nhằm bảo đảm môi trường an toàn cho cán bộ, nhân viên và khách hàng đến mua sắm. Trong đó, việc đeo khẩu trang được áp dụng triệt để 100%, đồng thời thực hiện nghiêm túc rửa tay, khử trùng, đo thân nhiệt... Đặc biệt, Coo.op Mart còn có một bộ phận theo dõi, cập nhật lịch trình đi lại hàng ngày của nhân viên siêu thị.

Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung