Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siêu thị quốc tế dừng hoạt động tại Việt Nam: Sự đào thải của thị trường

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, liên tục nhiều đại gia bán lẻ quốc tế như Parkson, Auchan… phải đóng cửa dừng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Điều đó cho thấy, để có thể duy trì, phát triển hệ thống bán lẻ, đòi hỏi DN phải đưa ra cách thức tiếp cận người tiêu dùng phù hợp với thực tế.

Siêu thị Auchan Hà Đông trước ngày đóng cửa dừng hoạt động. Ảnh: Hoài Nam
Không phù hợp nhu cầu
Hệ thống siêu thị Auchan vừa ra thông báo từ ngày 3/6/2019 sẽ dừng hoạt động 15 siêu thị và chỉ giữ lại 3 siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. Như vậy, sau gần 5 năm đầu tư khai thác thị trường Việt Nam, tập đoàn bán lẻ của Pháp đã phải dừng hoạt động, rút khỏi Việt Nam do thua lỗ kéo dài. Auchan không phải là hệ thống siêu thị quốc tế đầu tiên dừng hoạt động sau một thời gian kinh doanh tại Việt Nam. Trước đó vào năm 2016, Casino Group (Pháp) đã phải bán Big C Việt Nam cho Central Group (Thái Lan). Đầu năm 2018, trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson (thuộc tập đoàn bán lẻ của Malaysia) cũng tuyên bố đóng cửa rút lui khỏi Việt Nam.
Auchan đơn thuần là siêu thị mua sắm nên chỉ thu hút được khách hàng lân cận, không thu hút được khách hàng xa tới vui chơi kết hợp mua sắm vào cuối tuần. Ngoài ra, Auchan chưa có các chương trình giảm giá, khuyến mại như nhiều siêu thị khác nên lượng khách hàng không nhiều, dẫn đến doanh thu thấp, không có lợi nhuận.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan

Phân tích về nguyên nhân khiến hệ thống bán lẻ quốc tế liên tục rút khỏi Việt Nam, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết, hệ thống siêu thị Auchan hoạt động tại Việt Nam theo mô hình bán hàng thuần túy, không có các dịch vụ tiện ích vui chơi, giải trí đi kèm. Trong khi đó, khách hàng có xu hướng tìm đến các siêu thị phức hợp có nhiều tiện ích khác bên cạnh mua sắm như khu vui chơi, rạp chiếu phim, cửa hàng đồ ăn nhanh… “Siêu thị AEON Nhật Bản thu hút một lượng lớn người tiêu dùng nội thành đến mua sắm là minh chứng rõ nét cho sự thành công của mô hình siêu thị phức hợp nhiều tiện ích” - ông Vũ Vinh Phú nêu ví dụ.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia bán lẻ có chung ý kiến: Một trong những nguyên nhân khiến hệ thống bán lẻ nước ngoài dừng hoạt động là do mô hình kinh doanh khá đơn điệu, không phù hợp với thị trường Việt Nam. Hệ thống siêu thị Parkson mặc dù đã hơn 10 năm đầu tư hệ thống bán lẻ hiện đại tại thị trường Việt Nam nhưng chỉ hướng tới khách hàng cao cấp, không phục vụ người tiêu dùng bình dân nên việc đóng cửa là điều khó tránh khỏi. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam Phạm Đình Đoàn, mặc dù hệ thống siêu thị Auchan có đến 18 siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh nhưng các siêu thị này thường nằm ở các tòa nhà, khu chung cư nên không định vị được sự khác biệt thương hiệu để người tiêu dùng biết đến.

Cửa hàng tự chọn - hướng phát triển mới

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2025 đạt hơn 11 triệu tỷ đồng. Những năm gần đây, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đã có thói quen mua sắm nhanh và xu hướng này đã lan rộng đến khu vực nông thôn. TS Lê Huy Khôi - Trưởng ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, thời gian tới, hệ thống cửa hàng tự chọn với diện tích 100 - 200m2 phục vụ nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm, đồ dùng thiết yếu sẽ phát triển mạnh mẽ bởi đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Thị Việt Nga nhấn mạnh, những năm gần đây, kinh doanh theo chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đang là mục tiêu phát triển của các nhà bán lẻ Việt nhằm gia tăng sự nhận biết thương hiệu, tăng tính cạnh tranh nên mức tăng trưởng của mô hình này lên đến 20 - 30%/năm. Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, mô hình kinh doanh theo chuỗi như chuỗi bán lẻ điện máy, di động, thời trang giày dép, túi xách hay mô hình bán lẻ bách hóa tổng hợp đã dần gắn với những thương hiệu bán lẻ lớn như Vinmart+, Thegioididong hay FPT shop... Việc VinMart đã đầu tư 1.700 cửa hàng tự chọn VinMart+, Co.op Mart với 700 điểm bán lẻ trên toàn quốc đã tạo ra sự cạnh tranh với các siêu thị truyền thống như Auchan.

Mặc dù hệ thống cửa hàng tự chọn, trung tâm thương mại phức hợp đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm, vui chơi của người tiêu dùng, tuy nhiên để tồn tại và phát triển, các hệ thống này cần liên tục đổi mới, tạo ra sự khác biệt và am hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt, nếu không dễ đi vào vết xe đổ của Parkson, Auchan.