Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siêu thị thích ứng với kinh doanh online

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh cả nước vẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, lượng khách đến hệ thống siêu thị, chợ truyền thống mua sắm trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 không đông như mọi năm. Theo đó hầu hết đã chuyển sang cách mua sắm mới đó là mua hàng online.

Người dân mua sắm tại Big C trong kỳ nghỉ 30/4. Ảnh: Thu Hương
Siêu thị khuyến mại vẫn vắng khách
Nhằm kích cầu mua sắm trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá. Theo đó, hệ thống siêu thị Co.opmart có chương trình khuyến mại với mức giảm giá từ 15 - 50% cho hơn 3.400 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống. Cũng từ ngày 1 - 14/5 hệ thống siêu thị Vinmart triển khai chương trình “Hè rực rỡ, sale hết cỡ”, giảm giá bán với các mặt hàng thịt bò, nước mắm, dầu ăn, đồ khô… Đồng thời triển khai chương trình trợ giá 30 - 50% với mặt hàng rau sạch VinEco, thịt sạch Meatdeli. Tương tự hệ thống siêu thị BigC tổ chức “Tuần lễ thịt lợn nhập khẩu mở rộng” qua đó giảm giá 34% đối với mặt hàng thịt lợn.
Việc hệ thống siêu thị đẩy mạnh hoạt động bán hàng online không chỉ đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân mà còn giúp giảm việc tập trung đông người nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Tổng Giám đốc BRG Retail Nguyễn Thái Dũng
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các siêu thị như Big C, Vinmart, Coop Mart... mặc dù lượng hàng hóa được các DN chuẩn bị khá dồi dào để phục vụ khách đến mua sắm trong kỳ nghỉ lễ, song lượng khách đến những trung tâm bán lẻ lớn vẫn không khác so với ngày thường, sức mua hầu như không thay đổi. Đa số người tiêu dùng chỉ tập trung mua hàng thiết yếu, trong khi các ngành hàng: Đồ điện, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh... hầu như không có khách.
Tại siêu thị BigC một số gian hàng đồ ăn, thực phẩm tươi sống, đồ chế biến sẵn được nhà bán lẻ kỳ vọng là những mặt hàng hút khách vào dịp nghỉ lễ cũng chỉ thưa thớt vài khách mua sắm. Theo Phó Tổng Giám đốc Central Retail Nguyễn Thị Phương: Mặc dù UBND TP Hà Nội đã nới lỏng giãn cách xã hội do dịch Covid-19 nhưng người tiêu dùng vẫn có tâm lý e dè trước dịch bệnh, không đến siêu thị mua sắm đông như những kỳ nghỉ lễ trước đây.
Chuyển mua sắm online thay bán hàng truyền thống
Theo chia sẻ của chị Dương Thị Thanh Hằng ở 71 Nguyễn Chí Thanh cho biết thêm: Thông thường trong kỳ nghỉ lễ tôi sẽ đến siêu thị mua sắm, nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên mặc dù UBND TP đã nới lỏng giãn cách xã hội nhưng người dân vẫn tự giác ở nhà để phòng dịch Covid -19, nếu có nhu cầu mua sắm tôi sẽ chọn mua sắm online thay vì đến siêu thị.
Trước sự thay đổi cách thức mua sắm hàng hóa của người dân, nhiều DN bán lẻ đã chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online. Báo cáo tình hình cung ứng hàng hóa trong dịch Covid-19 của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy: Từ giữa tháng 3 đến nay doanh số bán hàng online hệ thống siêu thị tăng từ 25 - 30%. Để có được thành công này, các siêu thị đã triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng và tăng cường các dịch vụ bán hàng online. Đơn cử, từ đầu tháng 2, siêu thị Big C triển khai dịch vụ "Gọi điện đặt hàng", giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên. Đến nay số đơn đặt hàng online tăng trên 200% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn Hà Nội.
Tương tự siêu thị Co.opmart đã đẩy mạnh triển khai mua sắm online, wesbite. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, từ đầu tháng 3 đến nay, kênh mua sắm online hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đã tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường. Ngay từ thời điểm Việt Nam xuất hiện dịch Covid-19, Công ty BRG Retail đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống siêu thị HaproMart, Hapro Food, FujiMart, Intimex, Seika Mart… đẩy mạnh bán hàng online thông qua fanpage, email… Một số hệ thống siêu thị khác cũng đang tích cực kích cầu bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Lazada...
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế nhưng đây là cú hích tạo đà cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bứt tốc trong nhiều lĩnh vực đời sống, đặc biệt là sự “lên ngôi” của bán hàng online. Điều này đã tạo ra thay đổi trong việc mua sắm, tiêu dùng của người dân, từ đó thúc đẩy thói quen mua sắm văn minh, hiện đại không dùng tiền mặt.