Doanh số sụt giảm
Nghiên cứu của Công ty CBRE Vietnam cho thấy, từ đầu năm đến nay nhiều người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu với các mặt hàng như quần áo, trang sức, mỹ phẩm và điện máy. Điều này khiến một số hãng bán lẻ phải thu hẹp hoạt động, thậm chí đóng cửa như Thế giới số 24G, Wonderbuy, Lộc Lê… Những siêu thị như Pico hay Trần Anh, Media Mart… tuy chưa dừng kinh doanh nhưng cũng phải thu hẹp quy mô.
Ông Trịnh Đức Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Pico cho biết: Trước đây, mỗi ngày riêng doanh thu từ tivi khoảng 1 tỷ đồng, nay con số này giảm, chỉ còn khoảng 100 triệu đồng. Do tiêu thụ chậm nên lượng tivi LCD tồn kho đang tăng cao, những siêu thị đã ký hợp đồng cả năm với các nhà sản xuất thì lượng ti vi tồn kho lên đến cả chục tỷ đồng.
Thống kê bán hàng 6 tháng đầu năm (gồm cả tháng Tết), doanh số của hệ thống siêu thị Hapro (Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình tương tự diễn ra ở hệ thống siêu thị Fivimart khi tăng trưởng 6 tháng qua chỉ đạt 10%, trong khi cùng kỳ mọi năm, con số này lên đến 20 - 25%. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart thừa nhận, tình hình kinh doanh chậm hơn so với các năm trước.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy rõ điều này. Cụ thể, từ đầu năm đến nay lượng hàng tồn kho tăng 26% so với cùng thời điểm năm trước. Riêng đối với hệ thống siêu thị tại Hà Nội, doanh số các siêu thị giảm trung bình 10 - 12%.
Nỗ lực đẩy sức mua
Trước việc doanh số sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải tìm cách để kích cầu tiêu dùng. Trong đó, cân đối tình hình kinh doanh để giảm giá sản phẩm, tập trung khuyến mại các mặt hàng thiết yếu là biện pháp nhiều siêu thị áp dụng.
Big C Thăng Long đã đàm phán với 150 doanh nghiệp cung ứng giảm giá từ 2 - 12% giá thành sản xuất cho hơn 300 sản phẩm thiết yếu. Siêu thị Sài Gòn Co.op Mart tại Hà Nội cũng đồng loạt triển khai 3 chương trình khuyến mại lớn, giảm giá đến 45% cho hơn 1.000 sản phẩm thiết yếu. Hệ thống siêu thị Fivimart giảm giá 10% một số mặt hàng thực phẩm như nước mắm, dầu ăn, đồ hộp...
Để giải quyết bài toán tồn kho, các siêu thị điện máy lại chọn phương án thu hẹp thị phần ở TP và mở rộng ra thị trường các tỉnh - nơi mà nhu cầu tiêu thụ mặt hàng điện máy còn cao. Mới đây, siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã mở thêm 6 chi nhánh tại các tỉnh miền Tây. Siêu thị Thiên Hòa đã đưa vào hoạt động trung tâm điện máy tại Bình Dương… Bên cạnh đó, hầu hết các siêu thị đẩy mạnh hình thức kinh doanh online, thông qua việc tích hợp các công cụ thanh toán trung gian như NgânLượng.vn, Smartlink, Onepay… để người tiêu dùng có thể mua sắm và thanh toán dễ dàng, an toàn, tiện lợi.
Tuy nhiên, giảm giá, khuyến mại chỉ là biện pháp trước mắt để giải phóng hàng tồn kho, giải pháp căn cơ là tái tổ chức sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Song, vấn đề cốt lõi là Nhà nước phải khôi phục lại sản xuất từ đó người tiêu dùng có thu nhập thì mới kích thích nhu cầu mua sắm.
Giải quyết hàng tồn phải gắn với xử lý nợ xấu của ngân hàng, trong đó ưu tiên cho sản xuất những mặt hàng thiết yếu như nông nghiệp, hay công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ để giải phóng hàng hóa, từ đó có vốn để kinh doanh. Ông Nguyễn Đình Cung Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư |